Âm vang nhạc kèn ở Trực Hùng

08:08, 21/08/2015

Xã Trực Hùng (Trực Ninh) có 99% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Từ nhiều năm nay, ở các thôn, xóm trong xã đã hình thành các CLB, tổ, đội văn nghệ duy trì sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tiêu biểu nhất là hoạt động của 6 đội nhạc kèn ở các giáo xứ Tân Lý, Tân Châu, Tân Phường, giáo họ Tân Mỹ và 2 đội kèn thuộc giáo xứ Lác Môn. Các đội kèn ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ còn thường xuyên biểu diễn trong các ngày lễ, tết ở địa phương.

Một buổi luyện tập của các thành viên Đội kèn xứ Tân Lý, xã Trực Hùng.
Một buổi luyện tập của các thành viên Đội kèn xứ Tân Lý, xã Trực Hùng.

Đội kèn xứ Tân Châu của xã được thành lập từ năm 1957. Cụ Đặng Văn Cương năm nay đã 90 tuổi kể: Ngày ấy, cụ tập hợp được 8 người đam mê nhạc kèn và mời thầy về chỉ dẫn. Để có nhạc cụ tập luyện, cụ đã đến từng nhà vận động bà con đóng góp cùng các thành viên trong đội để mua 6 cây kèn và 2 chiếc trống. Cụ Cương cho biết: Đặc thù của thổi kèn là phải biết lấy hơi, nhả hơi, luyến láy…; các nút bấm trên cây kèn lại phức tạp, đòi hỏi các ngón tay phải thanh thoát. Trong khi đó, các thành viên trong đội thường ngày chỉ quen cầm cuốc, cầm liềm nên khi cầm cây kèn đắt tiền trong tay vẫn rất gượng. Dưới sự dìu dắt tận tình của thầy dạy, sau 3 tháng các thành viên đã nắm được các kỹ thuật cơ bản và biểu diễn được một số bản nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, đội kèn xứ Tân Châu có 50 người tham gia với trên 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Đội đã mua sắm hàng chục cây kèn các loại; cây kèn giá thấp nhất là 7 triệu đồng. Tất cả trang phục, nhạc cụ biểu diễn đều được các thành viên tự nguyện đóng góp. Đặc biệt, đội kèn hiện vẫn lưu giữ 6 cây kèn đồng từ năm 1957 để nhắc nhở các thành viên hôm nay biết trân trọng những cống hiến, tiếp nối ý chí vượt qua mọi khó khăn của các bậc cha anh. Với bề dày truyền thống, các thành viên trong đội kèn xứ Tân Châu có điều kiện phô diễn các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo như thổi loại kèn cổ không có van. Người chơi điều tiết âm sắc bằng độ dày, mỏng của môi… Đến nay, đội đã biểu diễn thành thạo những ca khúc cách mạng như “Cô gái vót chông”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bài ca non sông”… Đội kèn xứ Tân Châu nhiều lần đại diện cho xã tham dự ngày hội VH-TT huyện Trực Ninh và từng tham dự cuộc thi nhạc kèn nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định năm 2012, giành giải nhất toàn đoàn. Tại giáo xứ Tân Lý, đội kèn được thành lập từ năm 1992. Ông Nguyễn Văn Việt, phụ trách đội kèn cho biết: Ngay khi phát động thành lập đội kèn, đã có trên 30 thành viên tình nguyện tham gia. Điểm đặc biệt của đội kèn xứ Tân Lý là được học qua 4 thầy dạy, mỗi thầy có thế mạnh riêng nên các thành viên trong đội lĩnh hội được nhiều dòng nhạc kèn. Đội kèn Tân Lý là một trong những đội kèn tiêu biểu về công tác xã hội hóa trong duy trì hoạt động. Tổng kinh phí các nhạc cụ và trang phục của đội hiện nay gần 400 triệu đồng, phần lớn do các thành viên tự nguyện đóng góp và nhân dân trong xóm ủng hộ. Hằng năm, vào dịp hè, đội tổ chức dạy kèn miễn phí cho các cháu thiếu niên, nhi đồng để tạo nguồn kế cận. Trong đó, 2 thành viên trẻ là anh Bùi Văn Hùng và anh Tô Đức Thiện là những người tận tình hướng dẫn các thành viên mới. Nhiều năm qua, đội kèn Tân Châu tích cực tham gia biểu diễn phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương. Ngoài 4 đội kèn nam, xã Trực Hùng còn có 2 đội kèn nữ thuộc giáo họ Tân Mỹ và giáo xứ Lác Môn. Đội kèn nữ giáo họ Tân Mỹ được thành lập đầu năm 2014, tập hợp được 52 chị em tham gia. Các thành viên trong đội luôn tích cực đóng góp xây dựng đội kèn đi vào hoạt động nền nếp. Để có dàn nhạc kèn đồng bộ, mỗi thành viên đã tự nguyện đóng góp 10 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Các thành viên trong đội hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ, từ 18-30 tuổi, người làm nông, người làm thợ may…, sau những giờ lao động vất vả lại tụ tập, trao đổi với nhau cách thể hiện những bản nhạc đã học. Để học thuần thục các bản nhạc, ngoài việc theo thầy học vào các buổi tối, các thành viên còn chủ động tập hợp nhau học vào các ngày cuối tuần. Chị Lâm Thị Lê cho biết: Là phụ nữ, việc đeo những chiếc kèn nặng cần phải có sức khỏe, lấy hơi tốt; người thổi phải đạt chuẩn về môi, răng, tai, tay… Nếu như môi hở, răng không đều, tai không thính, tay không linh hoạt thì không thể chơi được loại nhạc cụ này. Bên cạnh đó, các thành viên phải có sự phối hợp ăn ý, tạo thành bè, lúc trầm, lúc bổng tùy theo loại nhạc cụ, tạo nên sự hài hòa của bản nhạc. Với tinh thần cầu thị, ham tập luyện, chỉ sau vài tháng các thành viên trong đội đã thể hiện được một số bản nhạc kèn đồng cơ bản. Hiện nay, đội đã dàn dựng một số chương trình hợp xướng kèn đồng. Ngoài biểu diễn trong các ngày lễ ở xứ đạo, đội còn tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Đồng chí Đỗ Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Hùng cho rằng: Hoạt động của các đội kèn đồng trong xã đã góp phần làm phong phú các hoạt động văn nghệ quần chúng ở địa phương. Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hội diễn văn nghệ quần chúng, các đội kèn ở xã đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, về Đảng, Bác Hồ, bồi đắp tình làng nghĩa xóm, cùng hướng một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com