Nhân rộng mô hình thư viện, phòng đọc trẻ em

06:07, 11/07/2015

Trong những ngày hè nắng nóng vừa qua, thư viện trẻ em xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đặt tại Trường Tiểu học Xuân Hồng B thu hút đông học sinh đến đọc sách, báo. Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng được xây dựng nhờ sự tài trợ của cụ bà Mi-chi-ko Te-ra-ya-ma (Nhật Bản). Cụ Mi-chi-ko Te-ra-ya-ma trước khi mất đã gọi con trai mình là ông Te-ra-ya-ma (một doanh nhân và thành viên Hội đồng sáng lập Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản tại Thành phố Nam Định) bày tỏ ý nguyện từ thiện 10 triệu Yên cụ tiết kiệm (tương đương 2 tỷ đồng) để xây dựng một công trình phúc lợi tại Việt Nam. Mang tâm nguyện của mẹ, ông Te-ra-ya-ma đã cùng ông Đặng Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã chọn xã Xuân Hồng, một vùng quê nổi tiếng hiếu học và nơi sinh thành của cố Tổng Bí thư Trường Chinh để đầu tư xây dựng thư viện mang tên “Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng” đặt tại Trường Tiểu học Xuân Hồng B. Được sự nhất trí của UBND xã và các cấp có thẩm quyền, “Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng” được xây dựng trên diện tích 325m2, với kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do cụ Mi-chi-ko Te-ra-ya-ma tài trợ, phần còn lại do phụ huynh học sinh và con em xa quê hương đóng góp. Trước khi đưa vào sử dụng tháng 8-2014, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo điều hành hoạt động thư viện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban và các thành viên là hiệu phó của 3 trường tiểu học, 1 trường THCS, đại diện Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học xã... Các trường học trên địa bàn cũng xây dựng kế hoạch luân phiên tổ chức “Ngày đọc sách” cho học sinh, coi đây là một buổi học ngoại khóa. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng có quy mô và cách bài trí sách, báo khoa học. Phần lớn diện tích thư viện được bố trí làm phòng đọc, phần còn lại là phòng đa năng (để các em nhỏ luyện tập thể thao, hát múa…) cùng các công trình phụ trợ. Trong phòng đọc có khoảng 5.000 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, ngoại ngữ, dạy kỹ năng… dành cho lứa tuổi thiếu nhi được bày gọn gàng trên giá. Để tạo không gian phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, phòng đọc trang trí nhiều hình ảnh về các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam như: Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh… Chị Trịnh Thị Dần, thủ thư của Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng cho biết: Cách trang trí phòng đọc đều được sự tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản nhằm tạo cho các em sự thoải mái; Các giá sách cũng được sắp xếp theo chủ đề để các em dễ dàng tự tìm các đầu sách muốn đọc. Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần và phục vụ miễn phí học sinh với khẩu hiệu “Mỗi cuốn sách là một người bạn”. Nhờ đó, trong năm đầu hoạt động, thư viện đã thu hút gần 1.000 lượt bạn đọc. Trong dịp học sinh nghỉ hè, hằng ngày thư viện tiếp đón hàng chục em đến đọc sách. Em Đặng Phương Thảo, lớp 5A, Trường Tiểu học Xuân Hồng B là độc giả thường xuyên của thư viện tâm sự: “Nhờ có thư viện trẻ em xã mà chúng em có nơi học tập, giải trí lành mạnh. Các đầu sách ở đây rất đa dạng và thường xuyên có sách mới”.

Học sinh đến đọc sách tại Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Học sinh đến đọc sách tại Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Tại huyện Hải Hậu, từ năm 1995, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Phòng đọc thiếu nhi huyện được Nhà nước lo trụ sở, tư nhân xây dựng nguồn sách và tự trang trải kinh phí để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh nhiều phòng đọc, thư viện thưa vắng bóng người đọc nhưng Phòng đọc thiếu nhi huyện Hải Hậu vẫn thu hút hàng chục lượt độc giả mỗi ngày. Chia sẻ về cách duy trì hoạt động của phòng đọc thiếu nhi suốt 20 năm qua, ông Đặng Văn Khảm (71 tuổi), thủ thư cho biết: “Muốn “kéo” độc giả về phòng đọc trước hết phải thường xuyên đổi mới các đầu sách. Hiện nay phòng đọc có 50 nghìn bản sách, một số đầu sách sau khi phòng đọc sử dụng khoảng 2 tuần lại được bán rẻ hoặc luân chuyển xuống các cơ sở cho thuê sách, các phòng đọc sách khác trong huyện. Việc này tạo ra mạng lưới phục vụ bạn đọc trên địa bàn và là một biện pháp thu hồi vốn để bổ sung sách mới. Nhờ cách làm sáng tạo, mỗi tuần phòng đọc được bổ sung từ 500-800 bản sách”. Bên cạnh đó, các hoạt động như tuyên truyền, giới thiệu sách được ông Khảm soạn chi tiết. Mỗi tuần một lần, bạn đọc nhỏ tuổi lại háo hức nghe ông Khảm nói chuyện về sách; qua đó kích thích sự ham đọc sách của các em… Từ mô hình phòng đọc thiếu nhi ở Hải Hậu đã nhân rộng mô hình phòng đọc tư nhân trên địa bàn huyện như: phòng đọc trẻ em của gia đình ông Nguyễn Đức Cương, xóm 7, xã Hải Anh; của ông Trần Xuân Mậu, xã Hải Trung…

Hoạt động hiệu quả của các mô hình: Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Phòng đọc thiếu nhi huyện Hải Hậu… đã góp phần khơi dậy văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Đây là những mô hình phòng đọc, thư viện trẻ em cần được nhân rộng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com