Mới 33 tuổi nhưng đã có 20 năm gắn bó với sưu tầm cổ vật, anh Triệu Thanh Sơn (TP Nam Định), hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường được nhiều người trong giới biết đến với tên gọi “Sơn đồ cổ”. Hiện nay anh đã sưu tầm trên 300 hiện vật có giá trị lịch sử và hàng trăm bức tranh, ảnh về Nam Định xưa.
Thừa hưởng niềm đam mê của ông nội, ngay từ nhỏ Triệu Thanh Sơn đã bắt đầu sưu tầm những con tem, đồng xu, rồi những hiện vật như bát, đĩa ở nhiều niên đại khác nhau. Mỗi món đồ cổ, anh đều tìm hiểu về niên đại, giá trị lịch sử và ghi chép tỉ mỉ theo sự hướng dẫn của ông nội. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định, từng công tác tại Nhà Văn hóa 3-2 rồi Đoàn Cải lương tỉnh, sau đó đầu quân cho Cty biểu diễn nghệ thuật Hồng Phúc (Hà Nội), anh có điều kiện đến nhiều nơi để sưu tầm thêm những hiện vật quý. Trong một lần biểu diễn ở một vùng quê, sau khi kết thúc chương trình anh đi tham quan vườn cảnh của một hộ dân và nhìn thấy chiếc chậu cảnh để trồng một cây cúc Vạn Thọ. Với đôi mắt nghề, anh biết đó là chiếc thống để đá dế chọi có niên đại từ thế kỷ XVII men chàm vẽ chim hoa rất hiếm. Anh đã dùng toàn bộ cát-sê buổi diễn để thuyết phục gia chủ bán lại. Anh cho biết: Sưu tầm đồ cổ đòi hỏi phải có “duyên” và “may”, bởi nhiều người không biết giá trị của nó. Không chạy theo xu hướng sưu tầm những hiện vật cổ của Trung Quốc, anh chuyên sưu tầm những hiện vật thuần Việt. Trong bộ sưu tập 300 hiện vật của anh, chủ yếu là các đồ gốm sứ thời Lý, Trần, Lê, tiêu biểu như: bát, đĩa, men ngọc ám họa hoa lá; một số hiện vật Lý Trần men nước dưa, vàng rơm; đèn dầu lạc, đồ thờ gốm thời Trần…
Anh Triệu Thanh Sơn, hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường bên những bức ảnh về Nam Định xưa. |
Từ khi tham gia Ban đấu giá của Hội Cổ vật Thiên Trường (năm 2010), được tiếp xúc với nhiều cổ vật hơn, anh càng trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của các hiện vật, trong đó có những bức ảnh về Thành Nam xưa. Ban đầu, anh vào những trang web của nước ngoài có ảnh về Thành Nam xưa để ngắm, nhưng không tải về được do mỗi bức ảnh đều được gắn thẻ bản quyền, phải mua. Sau nhiều lần liên hệ với một người nước ngoài là chủ nhân những bức ảnh, anh đã thuyết phục họ nhượng lại những hình ảnh gốc mà không mất một khoản phí nào. Trong số 200 bức tranh ảnh về Nam Định anh đang sở hữu, có khoảng 100 ảnh được chụp từ đầu thế kỷ XX, nhiều bức được chụp từ những năm 1950 đến 1975, ghi lại cảnh vật, cuộc sống của con người Nam Định. Qua nhiều nguồn tư liệu chính thống, anh đã tổng hợp và tóm tắt các sự kiện lịch sử cho mỗi bức ảnh sưu tầm. Một trong những bức ảnh gây ấn tượng và xúc động được anh sưu tầm là hình ảnh phố Hàng Thao (TP Nam Định) được chụp vào ngày 14-4-1966, ngay sau khi bị giặc Mỹ ném bom khiến 77 người chết, 135 người bị thương, 240 nhà sập đổ, hư hại. Bức ảnh ghi lại thời khắc hoang tàn và không khí khẩn trương dọn dẹp đổ nát của quân và dân ta. Bên cạnh bộ sưu tập ảnh, anh còn sưu tầm hàng chục bức tranh vẽ về phố cổ Nam Định, tiêu biểu như: Nhà thờ lớn Nam Định, Cây đa Hàng Sắt, Nhà cụ Tú Xương của họa sĩ Hồ Y; Phố cổ của họa sĩ Hoàng Lựu… Với số lượng tranh, ảnh và tư liệu khá phong phú về Nam Định xưa, anh nghĩ ngay đến việc quảng bá những hình ảnh này qua một trang fanpage của mạng xã hội để nhiều người hiểu thêm về Thành Nam xưa. Hiện nay, trang mạng do anh quản lý với tên “Nam Định xưa và nay” đã có trên 4.000 thành viên, trong đó nhiều người con Nam Định xa quê hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng tích cực tham gia đóng góp những tài liệu hay cho diễn đàn. Hiện anh đang ấp ủ tổ chức một triển lãm về những bức tranh, ảnh cổ đến công chúng. Anh chia sẻ: Mỗi cổ vật, mỗi bức tranh ảnh cổ đều có giá trị về văn hóa, lịch sử. Việc mở một triển lãm tranh, ảnh cổ đòi hỏi công sức, kinh phí khá lớn nên anh cần có thêm thời gian để chuẩn bị.
Những hiện vật, tranh, ảnh cổ mà anh Sơn sưu tầm, chia sẻ trên cộng đồng mạng không đơn thuần là niềm đam mê mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của quê hương Nam Định./.
Bài và ảnh: Viết Dư