Xã Nam Thanh (Nam Trực) là vùng quê giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Trên địa bàn xã hiện có hệ thống quần thể di tích lịch sử - văn hoá khá phong phú, gồm 5 di tích, trong đó có 2 di tích được Nhà nước xếp hạng tôn tạo, bảo vệ là: Đền Thượng Lao, thôn Thượng Lao; đền Xối Thượng, thôn Trung Thắng; 1 di tích cấp tỉnh là: Đền, chùa Nội, thôn Nội.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đền Xối Thượng. |
Theo các nguồn tư liệu lịch sử và một số thư tịch cổ còn lưu giữ tại di tích, đặc biệt là cuốn Ngọc phả “Sự tích hai vị đại khoa thời Trần” được Phó bảng Đỗ Huy Uyển chép lại vào niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848) thì đền Thượng Lao và đền Xối Thượng ngày nay là nơi ở cũ của hai vị đại khoa thời Trần cùng một gia đình là Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tam giáp Tiến sĩ Lê Hiến Tứ. Sau khi hai ông mất, nhà vua cho phép nhân dân địa phương tu sửa thành ngôi đền thờ để tri ân công đức. Vì vậy đền Thượng Lao và đền Xối Thượng còn bảo tồn được những giá trị lịch sử đầu tiên mang ý nghĩa tưởng niệm về cuộc đời và sự nghiệp của hai vị đại khoa. Bảng nhãn Lê Hiến Giản là vị quan Trấn thủ Phủ Thiên Trường - người có công khai hoang, mở đất vùng Giao Thủy, nay là các vùng lân cận huyện Xuân Trường. Ông còn giữ chức Ngự sử Trung Đại phu sau khi được triệu hồi về triều đình. Còn người em Lê Hiến Tứ là người có công dẹp giặc ở vùng Quảng Nguyên (nay là Quảng Ninh), sau cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành, được nhà vua thăng chức Trấn nam Tướng quân và làm quan đến chức Hạ đại phu. Mặc dù làm quan to trong triều đình nhưng hai ông vẫn nhớ quê hương nên đã xin nhà vua cho về xây dựng hành cung tại trang Thượng Lao và Trung Thắng, giúp nhân dân khơi sông đào ngòi “dẫn thủy nhập điền”, đắp đường, chia đất và mở mang đồng ruộng. Các ông cho đào một con ngòi dẫn nước quanh làng, thông với sông Đào, sông Hồng để tưới tiêu nước cho cánh đồng các xã: Thượng Lao, Trung Thành, Xối Tây, Xối Trì (nay là 4 thôn của xã Nam Thanh). Từ đây thuyền bè đi lại thông ra sông Hồng được dễ dàng, buôn bán thuận lợi. Trong tâm thức của nhân dân địa phương, hai vị đại khoa không chỉ là những vị quan văn võ song toàn, trung nghĩa đối với nhà Trần mà còn được suy tôn là Đức thánh cả Lê Hiến Giản, Đức thánh hai Lê Hiến Tứ. Tương truyền vào năm Bính Ngọ (1426) Bình Định vương Lê Lợi, khi tiếp quân ra Bắc, đi qua vùng Thượng Lao, được 2 ông báo mộng và giành được nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Năm 1428, khi dẹp xong giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua đã ban sắc phong cho hai ông là: “Thượng đẳng phúc thần” và thờ làm Thành hoàng làng. Hằng năm, tại đền Xối Thượng và Xối Hạ tổ chức lễ hội vào ngày hai ông mất (12-12 âm lịch), nhân dân đã làm lễ rước thánh vị của hai ông ở các nơi về đền chính “Đức thánh cả” Thượng Lao hợp tế. Với những giá trị về lịch sử - văn hoá đền Thượng Lao, Xối Thượng đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 2001. Di tích đền Thượng Lao và Xối Thượng ngày nay đã trở thành một trung tâm văn hóa làng xã nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và công lao to lớn của hai vị đại khoa Lê Hiến Giản, Lê Hiến Tứ.
Để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nam Thanh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác bảo tồn tôn tạo di tích. Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, xã đã thành lập Ban quản lý di tích. Hằng năm, Ban quản lý di tích lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích, đồng thời xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Tại đền Thượng Lao và đền Xối Thượng mỗi năm nhân dân và khách thập phương đóng góp hàng trăm triệu đồng để trùng tu, tôn tạo. Qua nhiều thế kỷ, một số hạng mục công trình kiến trúc đền Thượng Lao đã xuống cấp; đặc biệt, các cấu kiện được làm bằng gỗ đã bị mối mọt, hệ thống mái được làm bằng ngói lam bị xuống cấp và một số hạng mục khác bị hư hại. Đền Thượng Lao đã được Sở VH, TT và DL lập dự án trùng tu, tôn tạo. Năm 2013 đền Thượng Lao đã được tôn tạo lại khu tiền đường, lợp mới lại toàn bộ mái, xây trát lại bờ nóc với kinh phí gần 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Thực hiện công tác xã hội hoá, năm 2014, Ban quản lý di tích tiếp tục vận động nhân dân địa phương và con em xa quê trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: mở rộng khuôn viên, nâng cấp mặt sân, xây lại tường bao với kinh phí trên 60 triệu đồng. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, hằng năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang đậm bản sắc quê hương. Nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy trong lễ hội đền Thượng Lao như: chọi gà, chơi cờ người, tổ tôm điếm, thổi cơm thi… Công tác bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa dân gian ở Nam Thanh đang được thực hiện rất tích cực, góp phần vào việc phát huy bản sắc dân tộc và những bài học về lịch sử, truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông.
Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở Nam Thanh những năm qua đã góp phần đáng kể vào công tác giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các di tích lịch sử văn hóa đã và đang được bảo lưu, gìn giữ là những bằng chứng sinh động và là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, qua đó nâng cao ý thức coi trọng những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng