Đề tài chiến tranh cách mạng trong tác phẩm hội họa của các tác giả Nam Định

09:07, 28/07/2015

Trong lĩnh vực hội họa, một trong những thành công của các họa sĩ Nam Định là mảng đề tài về chiến tranh cách mạng. Với sự đa dạng về thể loại như: Ký họa, cổ động, bột màu, sơn dầu, sơn mài…, các tác phẩm hội họa của các tác giả Nam Định đã phản ánh đa dạng cuộc sống chiến đấu lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của quân và dân ta trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Họa sĩ Vũ Xuân Dương với bức tranh “Bức tường thời chiến” sáng tác năm 2015.
Họa sĩ Vũ Xuân Dương với bức tranh “Bức tường thời chiến” sáng tác năm 2015.

Trong số các tác giả thể hiện thành công về đề tài chiến tranh, cố họa sĩ Trần Trung Kỳ được nhiều người biết đến với phong cách hội họa riêng biệt, bút pháp mạnh mẽ, khoáng đạt và những ý tưởng độc đáo. Ông đã vẽ hàng trăm tác phẩm về cuộc chiến đấu anh dũng của người dân Thành Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu như: “Họp chợ bên giao thông hào”, “Trực chiến trên nóc ngân hàng”, “Cửa hàng ăn dưới hầm”, “Cty bông vải sợi bị ném bom”, “Hố bom trên đường ra bờ sông Đào”. Đặc biệt, tác phẩm “Sự sống không bom đạn nào hủy diệt được” với ba gam màu chủ đạo: màu xám thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh, màu xanh cho sự sống đâm chồi và màu hồng mơ ước của dân tộc đã tạo cho người xem niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một tác giả khác có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh là họa sĩ Lê Biết. Với cảm hứng sáng tạo trẻ trung, giàu sức sống của một người trong cuộc, ông đã khai thác vẻ đẹp vốn có của con người và khung cảnh trong chiến tranh. Trải qua hơn 40 năm, người xem hôm nay vẫn thấy được thời khắc của những năm tháng chiến tranh như: “Cơm chiều nơi sơ tán” (1968), “Khu tập thể xí nghiệp mộc sơ tán” (1969) “Chuẩn bị một ca mổ” (1972)… Tác phẩm “Mùa đông năm ấy” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Lê Biết về đề tài chiến tranh cách mạng. Trong tác phẩm, tác giả đã khắc họa cảnh một gia đình công nhân sơ tán về nông thôn giữa những ngày đông lạnh giá. Trong căn nhà tuyềnh toàng, người mẹ là tự vệ nhà máy trong tư thế sẵn sàng chiến đấu vẫn chăm chút cho con đầy đủ sách vở và chiếc mũ rơm trước khi đến lớp, bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh. Ở mảng tranh cổ động về đề tài chiến tranh, họa sĩ Dương Đức Điện cũng là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm tiêu biểu. Những bức tranh cổ động “Mừng ngày toàn thắng” (1968), “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (1968), “Quân dân Nam Định quyết tâm bắn trả máy bay Mỹ” (1968), “Công nhân dệt Nam Định”… đã góp phần tuyên truyền đường lối kháng chiến, kiến quốc, kêu gọi tinh thần chiến đấu, sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Các bức tranh cổ động của Dương Đức Điện mạnh về sự phô diễn chất bề mặt, sự tách bạch con người, chú trọng các tiểu tiết về khuôn mặt nhưng vẫn tạo tính toàn thể. Cũng sáng tác ở mảng tranh cổ động trong thời chiến, họa sĩ Vũ Văn Minh với thế mạnh về bố cục, đường nét khỏe khoắn, đã tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem qua các tác phẩm: “Giặc phá ta cứ đi” (1971), “Thừa thắng tốc tới” (1972), “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (1974) đều được trưng bày tại triển lãm Quân đội và “Mỗi ngư dân là một chiến sĩ” triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2010 tại Quảng Ninh. Trong số các họa sĩ thể hiện thành công đề tài chiến tranh cách mạng, họa sĩ Phạm Quyền là người có nhiều tác phẩm tạo được rung cảm cho người xem, tiêu biểu như: “Lặng lẽ”, “Trụ cầu bất tử”, “Bóng chùa giỗ đồng đội”… Gần đây, ông có nhiều tác phẩm về đề tài TNXP như: “Sinh ra ở Mỹ, tử nạn ở Việt Nam” (Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2013 tại Hưng Yên); “Huyền thoại chiến hào Điện Biên” (Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2014 tại Nam Định). Cuối tháng 6-2015 họa sĩ Phạm Quyền đã hoàn thành các tác phẩm “Vượt qua vùng đi-ô-xin” và “Hương khói Ngã ba Đồng Lộc hôm nay” nhằm tri ân những chiến sĩ kiên cường chiến đấu vượt lên nỗi đau da cam và những nữ TNXP đã nằm lại tại Ngã ba Đồng Lộc. Điểm đặc biệt, các tác phẩm hội họa về đề tài TNXP của họa sĩ Phạm Quyền chủ yếu được vẽ bằng chất liệu tổng hợp với cách sử dụng kỹ thuật gờ nổi, tút tát… để thể hiện chất cảm trên mặt tranh, thể hiện tư duy mạch lạc, sáng tạo của người nghệ sĩ. Với họa sĩ Vũ Xuân Dương, các tác phẩm về đề tài cách mạng của ông thường phảng phất nỗi buồn và đằm sâu tính triết lý; tiêu biểu như “Ký ức thời chiến” (2005), “Nhớ về Trường Sơn” (2008). Năm 2014, bức tranh “Ranh giới” của ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng khi tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực II đồng bằng sông Hồng năm 2014 tại Nam Định. Trong tác phẩm, người xem cảm nhận được tác giả nhấn sâu hơn vào khai thác tâm tưởng, sắc mạnh hơn khi biểu đạt tính triết lý. Ở đó, những gương mặt không rõ nét, những bàn tay khô cứng với chiếc đồng hồ đếm thời gian, những con mắt nửa đen nửa trắng…, tất cả đang đứng giữa một ranh giới rất mỏng manh của thiện và ác, được và mất, hạnh phúc và bất hạnh. Ở mảng tranh sơn mài về đề tài chiến tranh, có một số nữ tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Thị Nga với tranh sơn mài “Tổ quốc nhìn từ biển”; Nguyễn Thị Thủy với “Tự vệ Thành Nam ngày ấy”, “Phút bình yên”…

Các sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng của các họa sĩ Nam Định đã góp phần phản ánh không khí hào hùng, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta, giúp các thế hệ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com