Đánh giậm bắt cá

09:07, 24/07/2015

Quê tôi thuở trước nhiều ao chuôm, đầm hồ, lại thêm con mương dài chạy suốt từ đầu làng đến tận chiếc cống thông ra sông nên tôm, cua, cá, ốc lúc nào cũng sẵn. Quanh năm, chỉ nương vào con nước, bằng những dụng cụ đánh bắt thô sơ, người dân trong làng không chỉ có nguồn thức ăn dồi dào hằng ngày mà còn dành ra được kha khá để đem bán hoặc phơi khô dự trữ, phòng khi mưa gió. Với bọn trẻ một thuở thì những ngày rủ nhau đi đánh giậm luôn là kỷ niệm thật khó quên.

Hồi ấy, hầu như nhà nào cũng có một vài chiếc giậm to nhỏ đủ loại đan bằng cật tre, được treo dưới nhà ngang hoặc gác bếp. Nhằm những ngày nước cạn hay những lúc việc nhà nông nhàn rỗi, người trong làng lại tỏa đi khắp các ao hồ đánh giậm. Trẻ con chúng tôi mỗi đứa một chiếc giậm nhỏ, cõng trên lưng, trông từ xa như một đàn rùa. Người lớn thì ngoài chiếc giậm còn có thêm một dụng cụ làm bằng ống tre dài khoảng nửa mét, khoét nhiều lỗ như cây sáo, buộc dây thừng ở hai đầu. Khi đánh giậm, một tay giữ chắc cán giậm, một tay cầm sợi dây thừng rồi dùng chân đạp lên ống tre vài lần cho chìm xuống sát mặt bùn để xua tôm, cá chạy vào trong. Ra đến con mương chạy vòng quanh cánh đồng, chúng tôi chia nhau cứ hai đứa một đi chung một đoạn mương. Sau khi hạ giậm, bọn trẻ cũng hò hét, đạp chân ầm ĩ làm lũ tôm cá hoảng sợ chạy tán loạn. Lúc đó chỉ việc nhanh tay nhấc giậm lên, nhặt tôm, cua, cá, ốc cho vào giỏ. Thỉnh thoảng, có đứa gặp may, vớ được con cá quả hoặc cá trê to bằng cổ tay, thế là “quen mui thấy mùi ăn mãi”, mấy đứa khác liền xúm lại chỗ đó thả giậm, mong bắt được con cá to hơn. Chúng tôi cứ mải mê đi dọc hết các mương, máng cho đến khi chiếc giỏ bên hông nặng trĩu, chân tay nhăn nheo lại vì dầm lâu trong nước mới chịu vác giậm lên bờ. Dù thấm mệt và mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bùn đất nhưng cả bọn đều vui sướng khi ngắm nghía thành quả sau một buổi sáng. Vui nhất là lúc về đến nhà, đổ ào chiếc giỏ đầy ắp tôm, cua, cá còn tươi rói ra chậu trong ánh mắt ngưỡng mộ của mấy đứa em.

Bây giờ, ao hồ ở quê tôi chẳng còn nhiều, nguồn tôm cá tự nhiên cũng dần cạn kiệt do môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Về quê, thỉnh thoảng bắt gặp một người đi đánh giậm, lại rưng rưng nhớ về tuổi thơ lam lũ nhưng rất đỗi trong sáng, ngọt ngào./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com