Những năm qua, với sự tập trung chỉ đạo của Đảng ủy, UBND, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể trong xã và sự đồng lòng của nhân dân, phong trào xây dựng “Làng văn hóa” ở Yên Lương (Ý Yên) đã có sự chuyển biến tích cực, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cơ sở chạm khắc gỗ thủ công của gia đình anh Lê Văn Viên, thôn Quảng Thượng, xã Yên Lương. |
BCĐ phong trào xây dựng “Làng văn hoá” của xã đã được thành lập, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, nội dung các tiêu chí xây dựng làng văn hóa trong nhân dân. Ở cả 13 thôn trong xã đều thành lập Ban xây dựng hương ước. Với sự tham gia đóng góp sửa đổi, bổ sung của các tổ chức đoàn thể trong thôn, thông qua các buổi họp dân, nội dung hương ước đã được hoàn chỉnh, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng thôn. Trong quá trình xây dựng làng văn hóa, chi bộ Đảng và các đoàn thể các thôn đều đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, KHHGĐ... Đến nay, cả 13 thôn đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 90,5%. Thôn Hoàng Mẫu có 307 hộ với 1.183 khẩu, là nơi “đất chật, người đông”, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Qua nhiều năm thực hiện phong trào xây dựng làng văn hoá, cuộc sống của người dân trong thôn có nhiều khởi sắc: Các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu bị dẹp bỏ; số hộ khá, giàu chiếm trên 40%; 100% số hộ có phương tiện nghe, nhìn, nhà ở kiên cố; 95% số hộ trong thôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Tại thôn Ngọc Tân, với sự quan tâm chỉ đạo của chi bộ Đảng, phong trào xây dựng làng văn hóa đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong nhiều năm liền, thôn Ngọc Tân không có người sinh con thứ 3; các hủ tục lạc hậu được dẹp bỏ; không có tình trạng khiếu kiện, tranh chấp… Để xây dựng “Làng văn hoá”, các hộ dân ở Yên Lương đã tích cực giúp nhau phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ nhau về vốn, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Thôn Quảng Thượng có 80% số hộ làm nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ nên đời sống của các hộ dân ngày càng được nâng lên. Kinh tế phát triển, nhân dân trong xã tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Các nguồn kinh phí huy động trong quá trình xây dựng NTM đều được công khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó việc huy động nhân dân chung tay xây dựng các công trình NTM kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thuận lợi. Đến hết năm 2014, 100% đường giao thông liên thôn, xóm được rải nhựa, bê tông hoá; 26km đường nội đồng được cứng hoá đạt chuẩn NTM với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Các tổ thu gom rác thải ở địa bàn thôn được thành lập, rác thải được tập trung xử lý xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các thiết chế văn hóa của xã cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đến nay, cả 13 thôn trong xã có NVH, trong đó NVH của các thôn Hoàng Mẫu, An Nhân, Tây Vinh, Lương Đống, Thuỵ Nội được đầu tư xây mới. Các NVH đều đạt chuẩn với diện tích trung bình từ 300-700m2, có đầy đủ các thiết chế văn hoá, trang bị tủ sách phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân. Hệ thống các NVH được xây dựng, là nơi sinh hoạt của các đoàn thể và nhân dân, tạo thuận lợi cho phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ của xã có trên 20 thành viên thường xuyên tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ các hội nghị và các ngày lễ, Tết. Ở các thôn cũng hình thành các tổ, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn, tạo khí thế phấn khởi, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất.
Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở Yên Lương đã tạo động lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xã đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” năm 2014./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng