Vụ Bản giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá "làng" trong cuộc sống hiện đại

09:06, 26/06/2015

Huyện Vụ Bản là một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Hiện nay, không gian văn hóa “làng” ở Vụ Bản hiện còn bảo lưu ở nhiều làng quê trong huyện. Tiêu biểu như ở các làng Quả Linh, Bách Cốc, xã Thành Lợi còn những hồ, giếng nước trong xanh, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững ở các di tích lịch sử - văn hóa góp phần làm tăng vẻ cổ kính, linh thiêng ở các vùng quê.

Không gian làng Tâm, xã Liên Minh.
Không gian làng Tâm, xã Liên Minh.

Về Thành Lợi vào mỗi buổi chiều, không khó để bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của một làng quê thuần Việt: các cụ ông chơi cờ tướng ở sân đình, các em nhỏ chơi trốn tìm bên gốc cây đa… Để giữ gìn khung cảnh này trong quá trình xây dựng NTM, xã đã chỉ đạo các thôn, xóm lấp ao hồ phải theo đúng quy hoạch, vận động nhân dân hạn chế việc chặt cây xanh để giữ nguyên vẻ đẹp không gian làng quê. Cùng với không gian văn hóa, các địa phương ở Vụ Bản còn in đậm dấu ấn văn hóa bằng cách duy trì nền nếp gia phong của mỗi gia đình - dòng họ, cư dân sinh sống trong làng phải tuân theo các quy định cụ thể về giữ gìn thuần phong mỹ tục qua việc thực hiện hương ước. Chính những yếu tố đó đã làm nên sự gắn bó và cấu kết bền chặt cộng đồng dân cư trong các làng thôn, hình thành nên những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử, tín ngưỡng tâm linh. Tại xã Đại Thắng, nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống vẫn được duy trì qua việc thực hiện hương ước; những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Tại xã Vĩnh Hào, nhiều làng còn lưu giữ những tập tục truyền thống như: Làng Hồ Sen còn tục lệ khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ cho một con dao chẻ nan để khi về nhà chồng vẫn không quên nghề đan lát tảo tần. Làng Vĩnh Lại hiện còn giữ nhiều tín ngưỡng nguyên sơ như tục thờ bản thổ thành hoàng. Vào ngày Tết, ngày hội làng, mọi nhà đều dùng rơm bện lại quấn quanh cây tre, cây bương để làm cây nêu, hay cắm cột treo đèn, treo cờ dọc đường lễ hội rước qua và làm cổng chào bện bằng rơm trong ngày lễ hội. Đây là một mỹ tục độc đáo với ý nghĩa nhắc nhở con cháu biết quý trọng những sản phẩm từ nông nghiệp. Ở thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận còn lưu truyền lệ “trục quyên” (bắt đuổi cuốc) làm lễ tế thần đầu năm; lễ tịch điền cúng Thần Nông - Hậu Tắc bằng ba chân giò dựng đứng trên đặt một miếng thịt dài tượng trưng cho bộ gầu sòng tát nước. Xã Kim Thái không chỉ là nơi có quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc về tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục chọn gà luộc cúng Thành Hoàng làng được tổ chức vào thời khắc giao thừa tại đền Thượng trên núi An Thái. Tục cúng gà tại thôn Tiên Hương thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ngày nay, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và do tác động của cơ chế thị trường, khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở một số nơi, lối sống thực dụng đã len lỏi vào cuộc sống, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm... Trước tình hình đó, huyện Vụ Bản đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hoá, kết hợp giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê. Các xã, thị trấn từ việc kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong thực hiện xây dựng làng văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực tham gia hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh. Trong tiêu chuẩn đăng ký xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương trong huyện đều có cam kết nội dung về không vi phạm các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, ở các thôn, xóm người dân tích cực hiến kế, hiến công, đóng góp để xây dựng các thiết chế văn hóa; tổ chức, tham gia các hoạt động văn hoá. Đến nay, toàn huyện có trên 180 làng, xóm trong tổng số 223 làng, xóm có nhà văn hóa (NVH)... Tiêu biểu là xã Hợp Hưng cả 14 thôn đều có NVH; xã Trung Thành cả 13 xóm đều có NVH; xã Minh Tân cả 7 thôn đều có NVH... Thông qua các hoạt động ở NVH, những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương được các nghệ nhân, các bậc cao niên truyền lại cho con cháu thông qua hoạt động của các đội, CLB văn nghệ quần chúng. Từ việc duy trì và phát triển phong trào văn nghệ ở các thôn, xóm, hằng năm, huyện đều tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng toàn huyện. Phong trào văn hoá, văn nghệ đã tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.

Bằng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại trong giai đoạn mở cửa, hội nhập hiện nay, huyện Vụ Bản đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com