Từ năm 2007 đến nay, qua 8 năm triển khai thực hiện Quyết định 3234 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi từ Đoàn Chèo Nam Định sang mô hình Nhà hát Chèo Nam Định, tập thể lãnh đạo, diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát luôn đoàn kết, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao trên các mặt công tác như: Tổ chức biểu diễn, nghiên cứu, đào tạo; thể nghiệm, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương. Đặc biệt, Nhà hát Chèo Nam Định luôn thực hiện có hiệu quả công tác tuyển chọn, phát hiện và đào tạo lực lượng diễn viên trẻ.
Nhà hát Chèo Nam Định hiện có 53 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, trong đó, có 40 biên chế, 13 hợp đồng, hầu hết là thế hệ nghệ sĩ trẻ. Thời gian qua, Nhà hát Chèo Nam Định đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mở 5 lớp diễn viên chèo, đào tạo “tại chỗ” cho gần 100 diễn viên, nhạc công (đã có 3 lớp tốt nghiệp). Trong quá trình đào tạo, Nhà hát đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các nghệ sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn tham gia tập huấn, giảng dạy, cho các khóa học sinh, đồng thời, phân công các nghệ sĩ về các địa phương trong tỉnh tuyển chọn những năng khiếu nghệ thuật chèo để đào tạo. Thời gian qua Nhà hát đã đào tạo và tuyển chọn, bổ sung kịp thời 20 diễn viên, nhạc công thay thế cho lớp diễn viên, nhạc công đã nghỉ chế độ.
Một buổi học của lớp sân khấu chèo khóa 2014-2017 tại Nhà hát Chèo Nam Định. |
Với cách thức đào tạo diễn viên "tại chỗ”, lớp diễn viên, nhạc công trẻ hôm nay đều đã tiếp thu được những kỹ năng nghệ thuật từ cơ bản đến nâng cao của nghệ thuật chèo truyền thống. Diễn viên Trần Đình Huy là gương mặt trẻ tốt nghiêp năm 2010, được tuyển chọn về Nhà hát. Với lòng yêu nghề và tinh thần khổ luyện, đến nay, Huy đã được giao nhiều vai chính, nhất là vai hề trong các vở diễn và trích đoạn chèo cổ. Huy tâm sự: Trong 3 năm được đào tạo, các học viên được các NSƯT của Nhà hát Chèo Nam Định truyền nghề trực tiếp, từ cách đánh trống, đánh đàn, gõ từng nhịp mõ, hát từng câu chữ. Với phương thức truyền dạy, người học có thể cảm nhận, nắm bắt được mọi sắc thái tinh tế của tác phẩm từ người thầy. NSƯT Đăng Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu, đào tạo của Nhà hát cho biết: Nhà hát Chèo Nam Định luôn xác định việc đào tạo lực lượng diễn viên kế cận phải đi đôi với chất lượng. Thực trạng hiện nay một số lớp đào tạo, nghệ sĩ ra trường không phải ai cũng có thể sử dụng được tất cả những gì đã học được trong trường để hành nghề ca hát. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đào tạo theo kiểu "nhỏ mà tinh" có nghĩa là mỗi năm chỉ cần cho ra nghề một số lượng nghệ sĩ nhỏ nhưng chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đào tạo có định hướng - nghĩa là những người có tố chất, phù hợp với những vai đào chín, hay đào lệch thì đào tạo theo hướng đó là chủ yếu. Có như vậy khi ra nghề vào các vai diễn người nghệ sĩ có thể truyền đạt những tình cảm và sắc thái của tác phẩm đến công chúng một cách hiệu quả nhất.
Hiệu quả trong công tác đào tạo lực lượng diễn viên kế cận của Nhà hát Chèo Nam Định được các nhà quản lý, giới chuyên môn và các đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao. Đặc biệt tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” diễn ra vào tháng 11-2014 tại Ninh Bình đánh dấu sự thành công của lớp diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát. Qua cuộc thi, cho thấy sự thiếu hụt về lực lượng diễn viên trẻ kế cận của sân khấu kịch hát dân tộc nói chung và sân khấu chèo nói riêng. Trong số 18 đoàn chèo chuyên nghiệp, nhưng chỉ có 8 đơn vị cử diễn viên trẻ tham dự cuộc thi. Nguyên nhân do các đoàn không có nhiều gương mặt trẻ kế cận. Bên cạnh đó, nguồn tuyển sinh cho sân khấu truyền thống trong những năm qua ở các địa phương trong cả nước đều ở tình trạng báo động vì thiếu vắng thí sinh đăng ký. Tại cuộc thi, Nhà hát Chèo Nam Định cử 5 diễn viên tài năng tham dự: Trần Trọng Ngời trong trích đoạn “Vợ chồng ông chài”; Đỗ Thị Khánh trong vở “Quan Âm Thị Kính”; Trịnh Xuân La trong trích đoạn "Vợ chồng ông chài"; Phạm Văn Minh trong vở “Lưu Bình, Dương Lễ”; Đỗ Thị Phương trong trích đoạn “Tống Trân Cúc Hoa”. Cả 5 diễn viên của Nhà hát đều đạt giải cao, trong đó, Trịnh Xuân La được trao Huy chương Vàng.
Trong năm 2014, Nhà hát Chèo Nam Định đã công diễn vở chèo "Tống Chân, Cúc Hoa" do đạo diễn trẻ Đỗ Huy Thông làm đạo diễn với sự tham gia diễn xuất thành công, gây ấn tượng của lớp diễn viên trẻ như: Trần Đình Huy, Văn Thị Năm, Lại Hằng Quân, Trịnh Văn La, Đỗ Thị Phương, Phạm Văn Minh. Điều đó khẳng định lực lượng diễn viên trẻ kế cận đã thường xuyên được Nhà hát Chèo Nam Định quan tâm đào tạo, bồi dưỡng./.
Bài và ảnh: Việt Thắng