Cùng với không gian làng quê với những cây đa, gốc gạo hay những giếng làng cổ kính, xã Hải Phúc (Hải Hậu) còn là vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tiêu biểu là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia chùa Hà Lạn và 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là: Từ đường họ Vũ và Từ đường họ Trần.
Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia chùa Hà Lạn, xóm 11, xã Hải Phúc. |
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm, UBND xã đều tổ chức quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ phụ trách văn hóa; trưởng ban quản lý di tích; các thủ từ, trụ trì các đền, chùa trên địa bàn xã. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, công tác bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích cũng được Đảng ủy, UBND xã quan tâm. Tại di tích lịch sử - văn hóa chùa Hà Lạn, trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, chùa bị hư hại nhiều, qua nhiều lần tu sửa nhưng các công trình của chùa vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Theo hồ sơ di tích, chùa Hà Lạn có tên chữ là “Trung Quang tự”. Ngoài thờ Phật theo phái Đại Thừa như các chùa khác trong vùng, chùa Hà Lạn còn là nơi thờ các thánh tổ đã khai hoang, lấn biển, đứng đầu là An phủ sứ Vũ Duy Hòa. Cùng với việc khai khẩn đất đai, An phủ sứ Vũ Duy Hòa còn quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân ở vùng đất mới. Chùa Hà Lạn được xây dựng trên một khu đất cao mặt quay về hướng đông nam, với diện tích khoảng 4.000m2. Khu di tích chùa Hà Lạn gồm nhiều hạng mục công trình như: gác chuông, chùa thờ Phật, phủ thờ Mẫu, nhà tổ, nhà khách, khu tháp mộ, vườn cây cảnh… Nổi bật trong tổng thể di tích là chùa thờ Phật. Đây là công trình quan trọng nhất, được làm theo kiểu chữ đinh gồm tòa bái đường 5 gian và tam bảo 5 gian chủ yếu bằng gỗ lim. Các cấu kiện của công trình tuy không chạm khắc cầu kỳ nhưng các nghệ nhân xưa đã thể hiện tài hoa bằng những mảng chạm lá lật cách điệu với những đường nét đục, nhấn tỉa mạch lạc. Trong số các công trình nằm trong khuôn viên chùa như phủ Mẫu, đáng chú ý nhất là khu tháp mộ tọa lạc trong khu vườn phía tây chùa, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ chùa Hà Lạn. Ngoài vẻ đẹp mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, trong chùa còn lưu giữ một số đồ thờ quý, tiêu biểu như hệ thống 19 pho tượng Phật trên tam bảo được tạc công phu, sơn thếp lộng lẫy, đặc biệt là ba pho tượng A di đà, tượng Phật Bà và tượng Tuyết Sơn. Ngoài ra, còn một số di vật bằng đá cũng có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử như: tấm bia đá cao 0,45m rộng 0,35m có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) ghi tư liệu về quá trình tham gia vào phong trào Văn Thân chống Pháp của nhà sư Trần Quang Thái - vị sư đời thứ ba trụ trì tại chùa. Không chỉ là di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc, chùa Hà Lạn còn là di tích liên quan đến lịch sử cách mạng, kháng chiến. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Hà Lạn là cơ sở tin cậy của cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng, đồng thời là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến của xã. Nơi đây từng là kho cất giữ lương thực phục vụ kháng chiến… Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa luôn được triển khai thực hiện và thu hút được sự quan tâm ủng hộ, đóng góp của đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương, những người con xa quê hương, phát tâm công đức của bà con xa gần. Nhiều năm qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và sự công đức của nhân dân trong mỗi dịp lễ hội, chùa Hà Lạn đã trùng tu các hạng mục như: hệ thống cửa, cổng, dậu, mái với kinh phí trên 150 triệu đồng. Hiện, chùa đang tiếp tục vận động nhân dân trong xã, du khách thập phương đóng góp kinh phí để triển khai dự án xây mới lại khu nhà khách ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Tại 2 di tích cấp tỉnh là từ đường họ Vũ và từ đường họ Trần, hằng năm, nhân dân và các con cháu trong dòng họ đã huy động được hàng trăm triệu đồng để tu bổ khuôn viên, bờ hồ, hàng rào, nhà khách tạo cảnh quan sạch đẹp. Cùng với việc huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, Ban quản lý các di tích đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và đông đảo khách thập phương. Các lễ hội tại các di tích, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian từng bước được khôi phục. Chùa Hà Lạn là nơi còn lưu giữ được lễ hội vật truyền thống hằng năm vào đầu tháng giêng âm lịch. Ngoài việc dự hội, thưởng thức các màn võ vật cổ truyền, đây còn là dịp để nhân dân địa phương đi làm ăn xa về tụ họp gia đình cùng nhau thăm chùa, lễ Phật, tưởng nhớ công lao khai hoang mở đất của tổ tiên.
Các di tích lịch sử - văn hóa ở Hải Phúc đã và đang được bảo lưu, gìn giữ là những bằng chứng sinh động và là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, qua đó nâng cao ý thức coi trọng những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của địa phương, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng