Giữ gìn nét văn hóa trong các làng nghề truyền thống

09:06, 12/06/2015

Tỉnh ta hiện có khoảng 130 làng nghề, trong đó có trên 30 làng nghề truyền thống. Huyện Nam Trực có làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê, làm hoa giấy ở Báo Đáp. Huyện Trực Ninh có nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp. Huyện Vụ Bản có dệt vải, dệt tơ tằm Quả Linh, rèn Quang Trung, gối mây Tiên Hào. Huyện Ý Yên nổi tiếng với các nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, thêu ren, làm nón ở Yên Trung…

Làng nghề thêu ren truyền thống và nghề làm nón thôn Nhuộng, xã Yên Trung (Ý Yên) trong phong trào xây dựng làng văn hoá.
Làng nghề thêu ren truyền thống và nghề làm nón thôn Nhuộng, xã Yên Trung (Ý Yên) trong phong trào xây dựng làng văn hoá.

Các làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ở các làng nghề đều có những di tích lịch sử - văn hóa thờ các vị tổ nghề và các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống. Các di tích lịch sử - văn hóa như đền thờ Đức thánh Tổ làng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên), đình La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), đình Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực)… đều gắn liền với các lễ hội với các nghi thức mang nét đặc trưng làng nghề. Vào dịp lễ hội, nhiều làng nghề thực hiện nghi lễ “hiến xảo” tấu với các vị tổ nghề những tiến bộ trong lao động, sản xuất. Để chuẩn bị cho nghi lễ “hiến xảo”, trước lễ hội 2 tháng, các gia đình làm nghề đã đăng ký và đầu tư tâm sức làm một sản phẩm tiêu biểu nhất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình thợ thủ công mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề, đặt trước ban thờ dâng lên tổ nghề những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo. Các gia đình có sản phẩm trong nghi lễ “hiến xảo” đều được nhận một phần quà động viên của ban tổ chức lễ hội, coi đó là lộc của đức thánh tổ. Riêng ở làng nghề đúc đồng thôn Tống Xá và làng nghề mộc La Xuyên, ngoài nghi lễ “hiến xảo” còn có nghi lễ “xin lửa”. Nghi lễ này được tiến hành vào đêm 30 Tết hằng năm. Người dân trong làng quan niệm, lửa thánh sẽ mang đến cho gia đình một năm mới may mắn và tốt đẹp. Những nét đẹp văn hóa trong làng nghề đã kết tinh trong nếp sống văn hoá hằng ngày của nhân dân, để con em ở mỗi làng nghề đều nỗ lực bồi đắp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Mỗi người dân ở các làng nghề trước khi được truyền nghề đều được các bậc tiền nhân nhắc nhở coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán hay nguyên tắc truyền nghề để giữ gìn bí quyết, kỹ xảo làng nghề. Do nguồn sống chủ yếu dựa vào các sản phẩm của nghề thủ công cùng việc trao đổi, giao lưu buôn bán nên văn hoá làng nghề thường có yếu tố mở, nên người làng nghề luôn có suy nghĩ và tư duy năng động. Những đặc trưng đó là điều kiện thuận lợi để các địa phương có làng nghề đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương. Vì vậy, các địa phương có làng nghề đều xây dựng hương ước và thường xuyên được bổ sung sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn, có sự đồng thuận, cam kết thực hiện từ nhân dân. Đặc biệt, ở các làng nghề, trong hương ước luôn có các quy định chặt chẽ về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm… Từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Thực tế cho thấy, các địa phương có làng nghề đều thực hiện tốt phong trào xây dựng làng văn hóa, tiêu biểu như các xã Yên Trung, Yên Ninh (Ý Yên), xã Điền Xá (Nam Trực), xã Thành Lợi (Vụ Bản)… Xã Yên Trung (Ý Yên) có 9 thôn đều làm nghề thêu ren và nghề làm nón truyền thống. Với vị trí địa lý giáp 2 huyện Bình Lục và Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, đây là điều kiện thuận lợi để việc giao lưu, buôn bán song cũng là thách thức về tình hình an ninh, trật tự. Với sự vào cuộc của Đảng ủy, UBND, các đoàn thể và nhân dân trong xã, phong trào giữ gìn bình yên thôn, xóm với các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “3 giỏi, 2 vững mạnh” hoạt động hiệu quả. Triển khai xây dựng phong trào xây dựng làng văn hóa, xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hoá của xã và các tiểu ban chỉ đạo ở các thôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Nhờ sự đồng lòng thực hiện của nhân dân, đến nay, xã đã có 7/9 thôn được công nhận Làng văn hoá, 9 thôn có nhà văn hoá, đạt 16/19 tiêu chí NTM. Ở xã Điền Xá (Nam Trực) các làng nghề cây cảnh nổi tiếng như: Vị Khê, thôn Trung, thôn Phú Hào. Những năm qua, các làng nghề ở xã Điền Xá đều tích cực thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa ở các làng nghề hằng năm đạt trên 85%. Tại thôn Vị Khê, ngoài phát triển kinh tế, các gia đình đều chuyên tâm nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và tham gia đóng góp vào công tác từ thiện, nhân đạo. Các gia đình xác định xây dựng gia đình văn hóa cốt lõi là để gìn giữ nền nếp gia phong, đồng thời giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Phong trào xây dựng làng văn hóa ở những làng nghề truyền thống đã mang lại hiệu quả thiết thực, bản sắc văn hóa làng nghề được giữ vững, góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com