Bảo tàng tỉnh với công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu

09:06, 19/06/2015

Là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, tỉnh ta được Bộ VH, TT và DL chọn là địa phương tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO và tiến tới triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, bản sắc và giá trị”, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Nam Định.

Hệ thống tượng Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.
Hệ thống tượng Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh ta hiện vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, tỉnh ta còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: Nghi lễ Chầu văn, hát sẩm, múa tứ linh, hát chèo… Nghi lễ Chầu văn là một nghi lễ đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu vừa phản ánh sự đa dạng văn hóa, vừa thể hiện khả năng tích hợp văn hóa với các hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Để gìn giữ vẻ đẹp các nghi lễ gắn với nguyên gốc tín ngưỡng thờ Mẫu, trong thực trạng nguồn kinh phí hạn hẹp, Bảo tàng tỉnh chủ trương xã hội hóa các hoạt động liên quan đến sưu tầm, thu thập các nguồn tài liệu, hiện vật về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Nam Định. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu và tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ Bảo tàng trong quá trình sưu tầm hiện vật. Những cán bộ làm công tác sưu tầm đã vận động nhiều các cá nhân lưu giữ hiện vật liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu hiến tặng Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được gần 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ để thực hành nghi lễ Chầu văn ở Phủ Dầy (Vụ Bản) và Phủ Nấp (Ý Yên). Đây là những vật chứng phản ánh sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Các bộ trang phục sưu tầm được đều làm bằng phương pháp thủ công gắn liền với các nghệ nhân, thanh đồng - những người tham gia thực hành nghi lễ Chầu văn. Tuỳ theo đặc điểm xuất xứ, tính cách từng vị, trang phục lại kèm thêm những vật dụng khác như: Mẫu Thượng ngàn với xiêm y màu xanh lá cây đi hài xanh, cổ đeo trang sức bạc; các Quan lớn có đủ cân đai, bối tử, áo bào, đi hia; cậu Hoàng Bơ đi ngựa bạch có nhạc đồng đen, tay cầm hèo… Bên cạnh nhóm những bộ trang phục, nhóm đạo cụ sưu tầm được chia thành 3 nhóm gồm: các binh khí đao, kiếm, cờ để thể hiện các nhân vật dũng mãnh, uy nghi đánh giặc, trừ tà; đạo cụ thể hiện sự quyền quý, tao nhã như: hèo, quạt, bút đề thơ, nậm rượu; nhóm đạo cụ giá các cô có mái chèo, quang gánh, lẵng hoa, nón quai thao, túi chầu, dao quắm. Nhóm hiện vật nhạc cụ gồm: đàn nguyệt, phách, trong phách có cảnh, thanh la, phách tre và trống cái, trống con. Ngoài ra, gần 20 pho tượng bài trí trong không gian thờ mẫu được sưu tầm tiêu biểu như: Tam tòa Thánh mẫu, Tứ vị Chầu bà, Ngũ vị Quan ông, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười. Hệ thống tượng sưu tầm thể hiện nét tài hoa trong nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân dân gian. Tượng Quan Đệ Nhất trong hệ thống tượng Ngũ vị Quan ông có đặc điểm sơn son thếp vàng được tạc trong tư thế ngồi trên bộ gỗ, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo màu đỏ, trên áo đắp nổi hình rồng, mặt hổ phù, chân đi hài, hai tay cầm lệnh bài màu vàng. Tượng Chầu Đệ Nhất trong hệ thống tượng Tứ vị Chầu bà được sơn son thếp vàng, trong tư thế đứng trong bệ gỗ, hình lục giác, tượng mặc áo thụng đầu búi tóc, cổ đeo tràng hạt màu vàng, hai tay trong tư thế kết ấn… Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được cuốn sách Hán Nôm “Văn chầu Tiên Thánh” viết về 16 bài văn Chầu cổ có niên đại cuối thế kỷ XIX. Cuốn sách mang giá trị lịch sử tồn tại và phát triển của Nghi lễ Chầu văn, đồng thời bổ sung thêm tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, giá trị của từng bài văn chầu, hành trạng, sự tích từng nhân vật trong hệ thống thờ Mẫu tại tỉnh ta. Cùng với sưu tầm các tài liệu, hiện vật, Bảo tàng tỉnh còn tập hợp số lượng lớn tư liệu hình ảnh, phản ánh sinh động về tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ hội Phủ Dầy.

Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trước thực trạng thương mại hóa len lỏi trong các hoạt động tín ngưỡng, một số phần tử xấu đã lợi dụng Nghi lễ Chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu để hoạt động mê tín dị đoan; một số người thực hành Nghi lễ Chầu văn chạy theo xu thế hiện đại hóa, sắm những bộ trang phục, đạo cụ nhập ngoại để thay thế trang phục mang tính thủ công truyền thống, công tác sưu tầm hiện vật, trang phục, đạo cụ về tín ngưỡng thờ Mẫu là việc làm cấp thiết góp phần bảo tồn và phát huy một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc và gìn giữ tinh hoa truyền thống dân tộc. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, bản sắc và giá trị” để tăng cường khả năng nhận diện các giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu tới nhân dân, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngoài trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, bên lề triển lãm còn có các hoạt động biểu diễn, tái hiện các Nghi lễ Chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nhằm cung cấp thêm thông tin về một sân khấu dân gian tâm linh, làm rõ những giá trị văn hóa phi vật thể của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com