Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thời gian qua, các loại hình CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Hàng chục tổ thơ, CLB thơ đã được thành lập, hoạt động sôi nổi, góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của những hạt nhân văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
CLB thơ Mỹ Lộc sinh hoạt bình thơ hằng tháng tại Trung tâm VH,TT huyện Mỹ Lộc. |
Huyện Mỹ Lộc là địa phương có phong trào thơ ca phát triển mạnh. Ở 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có các tổ thơ hoạt động thường xuyên. Đầu năm 2014, Trung tâm VH-TT huyện đã tập hợp các cây bút yêu thơ, biết làm thơ ở nhiều lứa tuổi thành lập CLB thơ Mỹ Lộc. CLB hiện có 32 hội viên; qua 1 năm hoạt động đã xuất bản tập “Thơ Mỹ Lộc” với 170 bài thơ chọn lọc của các thành viên CLB. Nhiều tác giả có tác phẩm thơ tiêu biểu được nhiều người biết đến như “Nguyện tin theo Đảng” của Trần Đắc Hồng, “Nhận Huy hiệu Đảng” của Lê Văn Hy. Ngoài ra, các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Thị Ngọc Hồi, Bùi Thế Nghĩa, Đinh Công Chính, Nguyễn Đình Ngãi… có nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, xây dựng NTM. Là địa phương có thế mạnh về hát chèo, nhiều bài thơ của các hội viên được chuyển thể thành lời trong các làn điệu chèo. Huyện Vụ Bản là nơi tập trung nhiều CLB thơ, tiêu biểu như: CLB thơ - văn Thiên Bản, CLB thơ Hoàng Nguyên (xã Minh Tân), CLB thơ Lúa vàng (xã Tân Khánh), CLB thơ Trái ngọt đầu mùa (xã Đại An), CLB thơ Nắng gió Non Côi (Thị trấn Gôi)… Trong đó, CLB thơ - văn Thiên Bản do Phòng VH-TT huyện quản lý hoạt động khá đều đặn, chia làm 4 nhóm: Thơ Đường luật; thơ tổng hợp; văn xuôi; nghiên cứu sưu tầm, ca nhạc. Được sự đồng ý của huyện, CLB thơ - văn Thiên Bản đã phối hợp với bộ môn Thơ (Hội VHNT tỉnh) tổ chức tọa đàm về Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy; tổ chức giao lưu với CLB thơ Linh Đàm (Hà Nội). Qua các buổi giao lưu, toạ đàm, các hội viên CLB được trao đổi kinh nghiệm sáng tác, phương pháp đánh giá tác phẩm và giới thiệu tác phẩm mới… CLB đã tuyển chọn các tác phẩm có chất lượng của các hội viên và xuất bản 7 tập thơ - văn gồm các thể loại: Thơ, truyện ngắn, phê bình văn học và âm nhạc. CLB thơ Việt Nam huyện Ý Yên là một trong những CLB dẫn đầu về quy mô và số lượng xuất bản tập thơ. Hiện nay, CLB có 98 hội viên, chia thành 10 tổ thơ theo cụm xã để tạo điều kiện cho các thành viên sinh hoạt và giao lưu hằng tháng. Từ khi thành lập, CLB đã xuất bản 50 tập thơ; trong đó nhiều tập thơ được cấp giấy phép của các NXB Văn học, Lao động, Thanh niên. Hàng trăm tác phẩm thơ được in trong các ấn phẩm “Hương đất Việt”, “Người yêu thơ” do các NXB phát hành. Hiện nay, trong thư viện của đảo Trường Sa đã có những tập thơ của CLB thơ Việt Nam huyện Ý Yên như “Hương sắc Ý Yên” tập 1, tập 2... CLB thơ Việt Nam huyện Nam Trực được thành lập năm 2010, mặc dù chỉ có 26 hội viên nhưng nhiều tác phẩm tiêu biểu của hội viên được chọn giao lưu trong chương trình Thi đàn Việt Nam do VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức như: “Biển Đông”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của tác giả Nguyễn Kim Thi, “Vũng Chùa Đảo Yến” của tác giả Phan Văn Nghi... Ở huyện Trực Ninh, Hội NCT ở một số xã đã vận động hội viên thành lập các tổ thơ, tiêu biểu như: Tổ thơ NCT xã Trực Đạo được thành lập từ năm 2003, có 20 hội viên đã xuất bản 15 tập thơ mang tựa đề “Dấu ấn quê hương”, mỗi tập thơ có từ 40-60 bài. Ở xã Trực Tuấn, CLB thơ NCT có trên 50 hội viên, hằng tháng CLB tổ chức sinh hoạt một lần tại NVH xã. Qua hoạt động của các CLB thơ cho thấy, phần lớn các CLB chỉ chú trọng sáng tác nhiều về số lượng, chưa có tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Lực lượng sáng tác ở các CLB thơ quần chúng chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí.
Để các CLB thơ quần chúng hoạt động hiệu quả, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Trung tâm VH-TT các huyện, thành phố cần mở lớp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm thơ và nội dung hoạt động CLB. Ban chủ nhiệm các CLB thơ quần chúng cần xây dựng quy chế hoạt động, nhắc nhở các thành viên trong CLB sáng tác có định hướng theo từng chủ đề. Các hội viên trong các CLB thơ cần bám sát đời sống thực tiễn, tự ý thức nâng cao chất lượng tác phẩm để các CLB thơ không chỉ là nơi trải lòng của những người yêu thơ mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân./.
Bài và ảnh: Viết Dư