Hải Hậu bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

06:05, 23/05/2015

Huyện Hải Hậu hiện có 31 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Tiêu biểu như: Cầu Ngói, đền Thủy tổ - chùa Lương (xã Hải Anh), chùa Phúc Hải (xã Hải Minh), đền - chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc), chùa Phúc Sơn (xã Hải Trung), đền Bảo Ninh (xã Hải Phương), chùa Cồn (Thị trấn Cồn), chùa Hà Lạn (xã Hải Phúc), đền An Trạch (xã Hải An)… Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích ở Hải Hậu còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Thủy tổ, xã Hải Anh được xây dựng từ năm Đinh Mão (1924). Đền thờ các vị Tứ tổ và các Liệt tổ có công khai hoang, lấn biển lập nên mảnh đất Quần Anh. Chùa Lương nằm bên cạnh đền Thủy tổ, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV, qua nhiều lần trùng tu, hiện vẫn giữ được kiến trúc cổ truyền thống của thế kỷ XVII-XVIII. Chùa có 100 gian, gồm tiền đường, thượng điện, hậu điện, 2 hành lang đông tây, nhà tổ, 2 dãy hậu phòng, nhà khách, gác chuông, tam quan, trước chùa có hồ bán nguyệt… Đền, chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự, cuốn thư với nội dung ca ngợi công lao của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các liệt tổ có công khai hoang mở đất. Lễ hội chùa, đền Xã Hạ tổ chức hằng năm vào tháng Giêng âm lịch đã trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân của người dân nơi đây. Đền thờ Bảo Ninh, xã Hải Phương kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Đỗ, Bùi, Phan, Đoàn, Trần, Vũ. Đền còn lưu giữ được một số đồ thờ có giá trị như ngai, khám, nhang án, câu đối, đại tự… với nghệ thuật chạm khắc công phu, sơn thếp lộng lẫy… góp phần làm tăng vẻ trang nghiêm nơi thờ tự.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Hướng Thiện, xã Hải Long.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Hướng Thiện, xã Hải Long.

Những năm qua, huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đài PT-TH huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn xây dựng chuyên mục giới thiệu giá trị về lịch sử, kiến trúc của các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong huyện như: MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng GD và ĐT chỉ đạo các trường tiểu học và THCS trong huyện tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn trong huyện đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích ở các địa phương, ngoài nguồn vốn từ ngân sách xã, kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Nhờ đó, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện đều được trùng tu, tôn tạo đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Tiêu biểu như: Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung được phục dựng lại hệ thống chùa chính, gác chuông với tổng kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương tiến cúng. Chùa Lương, xã Hải Anh trùng tu với 21 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh xây dựng nhà khách, trùng tu nhà tổ, thay các vì kèo đã xuống cấp với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đền An Phú, xã Hải Phong xây dựng lại hệ thống bờ rào, các mảng chạm khắc rồng phượng với kinh phí hàng trăm triệu đồng do nhân dân trong và ngoài địa phương công đức. Đền Hướng Thiện, xã Hải Long được tôn tạo khuôn viên với kinh phí hàng trăm triệu đồng, tạo cảnh quan di tích khang trang, sạch đẹp. Cùng với việc huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, Ban quản lý di tích các xã, thị trấn đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và đông đảo khách thập phương. Tại các lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian từng bước được khôi phục. Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia chùa Cồn, Thị trấn Cồn vào dịp lễ hội truyền thống (tháng 2 âm lịch), ngoài phần lễ trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: đấu vật, chọi gà, leo cầu ngô, bắt vịt, tổ tôm điếm, múa sư tử, bơi chải, hát văn trên thuyền, hát chèo trên sân chùa vào các buổi tối diễn ra lễ hội. Ngoài ra, triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong dịp lễ hội chùa Cồn cũng thu hút số lượng lớn du khách tới tham quan. Đây được coi là hướng đi đúng để địa phương hình thành phát triển du lịch tâm linh. Ở di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền, chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc phần lễ hội truyền thống (tháng 2 âm lịch) ngoài việc tế lễ, rước kiệu, phần hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như: thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, thi hát chèo, hát ả đào...

Về Hải Hậu hôm nay, không chỉ thấy thế đứng của một đơn vị 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng, 35 năm là điển hình văn hóa cấp huyện toàn quốc và là một trong những huyện đầu tiên của cả nước về đích trong phong trào xây dựng NTM mà còn được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa truyền thống các bậc tiền nhân để lại qua việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa truyền thống của quê hương, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com