Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Giao Hải (Giao Thủy) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hoá gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng làng văn hoá đi đôi với các phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”; vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế…
Làng quê xã Giao Hải. |
BCĐ phong trào xây dựng “Làng văn hoá” của xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, nội dung, tiêu chí, quy ước xây dựng làng văn hóa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú qua hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong các hội nghị của địa phương; triển khai đến từng xóm và phổ biến tới từng hộ dân. Các xóm đã soạn thảo hương ước, sau đó lấy ý kiến của nhân dân để bổ sung, sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các tiêu chí, quy ước nếp sống văn hóa trong hương ước được xây dựng sát thực với phong tục, tập quán địa phương nên khi triển khai được nhân dân hưởng ứng tích cực. Hiện nay, cả 18 xóm của xã đã xây dựng hương ước, trong đó, đề cập đến các lĩnh vực như hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, khuyến học, lễ hội… nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phòng, chống tệ nạn xã hội, ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã đã diễn ra đúng quy định. Trong đám cưới, các gia đình đã hạn chế ăn uống linh đình, các hủ tục thách cưới rườm rà được loại bỏ; các đám tang, không còn hiện tượng hút thuốc lá, tổ chức cỗ bàn. Lễ mừng thọ hằng năm được xã khuyến khích tổ chức tại các gia đình, tránh tốn kém, lãng phí. Xã làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân Giao Hải đã đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT. Đến nay, toàn xã có 18 sân bóng chuyền ở 18 xóm với diện tích trung bình 200m2, 4 sân cầu lông, 1 nhà thi đấu bóng bàn, 1 sân vận động trung tâm với diện tích 1.000m2; có 5 xóm trong xã đã xây dựng được NVH trong đó NVH xóm 6 và xóm 10 được xây mới từ nguồn kinh phí do huyện, xã hỗ trợ, NVH xóm 3, 15, 16 được xây dựng từ nguồn ngân sách và do nhân dân và con em làm ăn xa quê đóng góp. Các thiết chế văn hóa ở địa phương đều đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho chi bộ Đảng và các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi tổ chức sinh hoạt và là nơi tập luyện TDTT, sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Ở các xóm đều thành lập các CLB bóng chuyền, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, mỗi CLB thu hút hàng chục thành viên tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của xã phát triển. Trong 5 năm qua xã Giao Hải trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào văn hóa, TDTT của huyện, được Bộ VH, TT và DL tặng Bằng khen. Cùng với việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa, những năm qua, xã Giao Hải đã khai thác thế mạnh là địa phương có 1,8km bờ biển, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư đóng mới, cải tạo tàu, thuyền khai thác hải sản và mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản. Diện tích vùng bãi bồi nuôi ngao của xã rộng 135ha đã thu hút 75 hộ tham gia, thu nhập thực tế đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản phát triển nên trên địa bàn xã Giao Hải đã hình thành gần chục cơ sở chế biến thủy, hải sản với sản lượng trên 8.500 tấn/năm, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng, chiếm 30,5% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của xã. Đời sống kinh tế của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên, xã chỉ còn 2,7% hộ nghèo. Trong phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, đến nay, xã Giao Hải có 5 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa - NTM”, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” của xã năm 2014 đạt trên 85%. Một số xóm có tỷ lệ gia đình văn hoá cao như: Xóm 15 đạt 85%, xóm 16 đạt 88%. Trên địa bàn xã có 1 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh là đình, đền, chùa Kiên Hành ở xóm 4. Hằng năm công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại di tích diễn ra đúng quy định, góp phần gìn giữ và bảo lưu được những nét đẹp văn hoá của địa phương.
Phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở Giao Hải đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, huy động các nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng