Một trong những đề tài thành công nhất của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tỉnh ta là đề tài về vương triều Trần. Với đặc thù của loại hình kịch hát dân tộc, Nhà hát Chèo Nam Định và Đoàn Cải lương Nam Định đã khai thác và đưa lên sân khấu chuyên nghiệp các vở diễn mang âm hưởng của hào khí Đông A thời Trần, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao.
Tỉnh ta là nơi phát tích và bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc gắn liền với nghệ thuật vương triều Trần như: chèo, chầu văn, múa rối nước, hát xẩm. Trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều gánh chèo, đội chèo trong tỉnh hoạt động mạnh như: làng chèo An Lộc Hạ (Ý Yên), Hào Kiệt (Vụ Bản), Hoành Nhị (Giao Thủy), Ngọc Tiên (Xuân Trường), Phú Vân Nam (Hải Hậu), làng Đặng, làng Quang Sán, làng Nhân Nhuế (Mỹ Lộc). Hầu hết trong các kịch mục, các trích đoạn của các gánh chèo đều gắn liền với đề tài lịch sử, ca ngợi công lao của các anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề có công trong sự nghiệp mở đất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và thiên tai. Trong đó, có nhiều kịch mục ca ngợi các nhân vật là danh nhân, danh tướng thời Trần như: Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích...
Loại kịch hát dân tộc như chầu văn, xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội Trần, tụng ca công đức của Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Hầu hết các giá văn cổ của nghệ thuật Chầu văn được lưu truyền trong dân gian đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát. Từ xưa, lễ hội Trần hằng năm thu hút đông đảo các đoàn, bản hội đi theo các thanh đồng để tham dự nghi lễ Chầu văn. Trong tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được suy tôn là Đức Thánh Trần, có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống tâm linh của người dân Việt. Còn đối với loại hình nghệ thuật múa rối nước, các đoàn rối nước ở tỉnh ta đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê với hơn 40 trò cổ, phản ánh sinh động về cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Tiêu biểu như các tiết mục: Trần Hưng Đạo 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử; diễn tả các sinh hoạt đời thường và lao động đánh bắt cá của cư dân thời Trần.
Vở diễn “Tình sử Vương Triều” của Đoàn Cải lương Nam Định. |
Do đặc trưng của loại hình nghệ thuật nên đề tài lịch sử thích hợp với kịch hát như chèo, cải lương. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh cũng đã tập trung vào khai thác sự nghiệp của các nhân vật lịch sử triều đại nhà Trần. Đối với Đoàn Cải lương Nam Định, một trong những đề tài được xây dựng thành công là những vở diễn về lịch sử vương triều Trần như: "Trần Hưng Đạo" (tác giả Ngọc Quang, đạo diễn Trần Tính); "Trần Bình Trọng" (tác giả Hồng Vũ, đạo diễn Ngọc Phương); "Linh hồn Đại Việt" (tác giả, kiêm đạo diễn Doãn Hoàng Giang); "Tình sử Vương triều Trần" (Đạo diễn Trịnh Quang Khanh). Trong đó, vở diễn "Linh hồn Đại Việt" đã tái hiện trên sân khấu hình tượng cao đẹp về Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với những chiến công hiển hách trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII đã đưa ông trở thành bậc đại nhân, đại dũng, đại trí, văn võ song toàn được nhân dân tôn thờ, suy tôn là bậc “Thánh”, thường gọi là “Đức Thánh Trần”, “Đức Thánh Cha”. Tuy là vở diễn đề tài lịch sử, nhưng biên kịch kiêm đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã xây dựng hệ thống nhân vật và hướng chủ đề vở diễn mang hơi thở thời đại: Đó là bài học về tinh thần trách nhiệm của một người lãnh đạo quốc gia trước thử thách sống còn của vận mệnh dân tộc và bài học biết dẹp sang một bên những bất hoà riêng tư trong quá khứ để hướng vào sự nghiệp chung, vào đại cuộc là gìn giữ nền độc lập dân tộc. Vở diễn có được sự ăn ý hài hoà giữa nội dung và hình thức biểu hiện, sự kết hợp các nghệ thuật phù trợ để vở diễn mang sức mạnh nghệ thuật tổng thể, từ xử lý tiết tấu, dàn cảnh của đạo diễn đến sự công phu và đẹp mắt của khâu thiết kế mỹ thuật, biên đạo.
Đối với sân khấu Chèo Nam Định, qua 55 năm xây dựng và phát triển, nhiều vở diễn gắn với "thương hiệu" của đoàn phần lớn về đề tài vương triều Trần như: "Trần Quốc Toản ra quân", "Tấm vóc đại hồng", "Soi bóng người xưa", "Thần đồng Đất Việt", "Trần Anh Tông"… Năm 2000, Đoàn Chèo Nam Định đã gây tiếng vang với khán giả cả nước với vở diễn “Trần Anh Tông” - Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; vinh dự được chọn biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tháng 4-2001).
Tuy cốt truyện được khai thác từ nguồn sử liệu, tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Trịnh Quang Khanh đã sáng tạo, kết cấu cấu trúc nghệ thuật sân khấu chèo, đặt ra nhiều vấn đề và bài học thực tiễn có tính thời sự, thời đại sâu sắc trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Vở chèo “Trần Anh Tông” đã tái hiện sinh động những chiến công hiển hách về võ công, văn trị thời Trần trong lịch sử dân tộc; trong đó có công lao to lớn của Hoàng đế, Đệ nhất tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Là người lãnh đạo tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 2, lần thứ 3, Vua Trần Nhân Tông đã tiến hành một loạt các kế sách để nâng cao tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước để đối phó với kẻ thù. Nhà vua thực hiện chấn hưng nông nghiệp, thương nghiệp; đồng thời huy động sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc tạo nên khối sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cùng đồng tâm, đồng lòng nhất tề “Dĩ thân tuẫn quốc” (Hy sinh vì đất nước). Sau khi chỉ huy hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, từ bỏ chốn quyền uy, khoác áo tu hành, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm.
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh cho biết: Về giá trị nghệ thuật, vở diễn “Trần Anh Tông” được “cấu trúc” với nhiều làn điệu chèo nguyên thể mang đậm nét độc đáo của chiếng chèo Nam; các tích chèo được khai thác có chọn lọc, bố cục vở diễn được dàn dựng hợp lý. Các nhân vật trung tâm đều do các nghệ sĩ, diễn viên có kinh nghiệm đảm nhận như: NSƯT Bích Thục (vai Hoàng Thái Hậu), NSƯT Đăng Khoa (vai Trần Nhân Tông), Diệu Hằng (vai Hoàng Hậu), Ngọc Hùng (vai Trần Anh Tông)… lột tả được cái hay, cái đẹp tính cách nhân vật, ý nghĩa tác phẩm. Tại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra tại khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh) (năm 2008), Nhà hát Chèo Nam Định vinh dự là đơn vị nghệ thuật chèo duy nhất của cả nước được Ban tổ chức chọn tham gia biểu diễn phục vụ với vở chèo lịch sử “Trần Anh Tông” khẳng định những thành công mới của tập thể cán bộ, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định trong hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, văn nghệ, giải trí của các tầng lớp nhân dân./.
Bài và ảnh: Việt Thắng