Đặc sắc nghệ thuật múa hạc ở Nghĩa Hải

09:05, 29/05/2015

Nghệ thuật múa hạc ở xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) đã có bề dày truyền thống gần 60 năm. Cụ Cao Ngọc Văn (79 tuổi) ngày đó là thủ trống của hội trống thuộc giáo họ Phú Hội đã sáng tạo thêm các tích trò để làm nổi bật hội trống. Sinh ra ở vùng đất ven biển, hình ảnh những cánh chim hạc đã giúp cụ nảy ra ý tưởng chế tác đôi hạc và sáng tạo các điệu múa của hạc.

Một buổi luyện tập của đội múa hạc Nghĩa Hải.
Một buổi luyện tập của đội múa hạc Nghĩa Hải.

Trong đời sống tâm linh của nhân dân xã Nghĩa Hải, hạc không chỉ là biểu tượng của may mắn, trường thọ, hạnh phúc mà còn là biểu tượng cho những chuyến đi biển an toàn. Đôi chim hạc qua bàn tay và óc sáng tạo của cụ Văn hiện lên thật gần gũi dung dị. Đầu hạc được làm bằng quả phao lưới của ngư dân, hệ thống dây để điều khiển hạc cũng là các loại dây tận dụng từ lưới đánh cá. Bộ khung hạc chủ yếu được làm từ tre. Theo cụ Văn, để có được những nan tre chắc và đẹp phải chọn tre già, chặt vào cuối tháng bởi tre đầu tháng chứa nhiều nước sẽ khó phơi và giòn. Sau khi phơi tre, thao tác uốn đòi hỏi người làm phải khéo tay để việc tạo hình chim hạc được cân xứng. Để tạo bộ lông cho hạc, cụ Văn sử dụng loại vải thô màu trắng, sau đó vẽ các đường nét, chi tiết bằng sơn ta… Điểm đặc biệt của đôi hạc là sự uyển chuyển linh hoạt khi biểu diễn nên cụ bố trí hệ thống 5 dây để người chui vào trong có thể điều khiển uyển chuyển các động tác: vẫy đuôi, lắc đầu, há - ngậm mỏ, vẫy hai cánh… Cụ Văn và các thành viên trong hội trống phải mất bốn tháng để dựng hoàn chỉnh đôi hạc. Sau đó, thủ trống đã tập hợp các thành viên và chọn ra những người có năng khiếu biểu diễn các tích trò để tham gia múa hạc. Đến nay, đội múa hạc Nghĩa Hải đã có trên 70 thành viên, người già nhất đã 79 tuổi. Anh Nguyễn Văn Hoàn, hiện là thủ trống phụ trách đội múa hạc Nghĩa Hải cho biết: Đội múa hạc biểu diễn thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương. Để có những tiết mục múa đặc sắc, đòi hỏi sự khổ luyện của các thành viên. Trong tập luyện, đội phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên như: người đánh trống cái, vị trí những người đánh trống con, người đánh cồng, người chơi lá bạc, người múa đao, kiếm phụ họa, thổi còi nhịp… Trống cái đánh trên nền bản nhạc, mỗi điệu nhảy của một bài trống lại khác nhau nên có nhiều yêu cầu khắt khe. Do vậy, trong đội hạc người cầm nhịp trống phải biết thẩm âm để tiếng trống rung và ấm. Ngoài ra, còn phải biết lựa chọn, xếp đặt và điểm đủ tiếng trống theo những tiết tấu phù hợp. Múa hạc là hình thức biểu diễn tổng hợp trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi nhạc, trống và trò diễn. Đi đôi với múa là các nhân vật biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí trong võ thuật dân tộc. Người thể hiện được loại hình này không chỉ có sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo mà còn cần có trí tưởng tượng về dáng điệu của chim hạc để nhập vai giống nhất. Một đội hạc có thể có đông người để thay thế vai trò của nhau, nhưng không thể thiếu 7 vai chính: Người điều khiển hạc; người đánh trống; người đánh thanh la; người cầm đao, kiếm, ngọc để dụ hạc múa theo, người đánh đàn, người đánh nạo bạt. Cách thức để diễn một bài múa hạc bắt đầu từ việc nổi các hồi trống đầu tiên, sau đó là tiếng của thanh la, nạo bạt, tiếng nhạc… từng nhịp đập của âm thanh tạo nên linh hồn và cốt cách của con vật mà người biểu diễn muốn thể hiện. Mỗi điệu múa có cách đánh trống khác nhau: Lúc hạc bắt đầu đuổi ngọc thì nhịp trống đánh chậm, lúc mổ ngọc thì phải đánh rộn ràng. “Ngọc” là quả bóng được để trong khung sắt, buộc ở cán gậy bằng tre, đầu gậy treo quả chuông để khi múa phát ra tiếng. Những động tác phóng lên, chạy vòng quanh... thường rất khó thực hiện. Bởi thế, người cầm “ngọc” cũng phải biết “bài” để dẫn dắt điệu múa. Thường khi đến các nhà chúc Tết hoặc mừng thọ, đội múa hạc Nghĩa Hải hay múa các bài mang âm hưởng vui tươi cầu sự bình yên, may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, trong múa biểu diễn đội hạc có các điệu múa như: hạc vờn, hạc bắt cá... Các động tác múa hạc dù đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tất cả thành viên phải có đầy đủ thể lực, kỹ năng và trên hết là tính kỷ luật cao; nếu múa sai nhịp thì sẽ làm mất đi cái hồn, thần sắc của hạc. Nhiều gia đình gắn bó với đội múa hạc, tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Đoàn (75 tuổi) có con và cháu đều tham gia đội múa hạc; anh Nguyễn Văn Hoàn cùng con trai là những tay trống của hội…

Từ nhiều năm nay, đội múa hạc Nghĩa Hải đã tích cực tham gia biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương như: Ngày hội văn hóa thể thao của huyện nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Ngày sinh nhật Bác 19-5, Tết Trung thu… tạo không khí rộn rã khắp làng quê, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com