Đường từ thành phố về chỉ chưa đầy hai mươi cây số nhưng mỗi lần nhớ quê, ông Nhật vẫn cảm thấy nao lòng. Đem tâm trạng này tâm sự với bạn bè, nhiều người cũng có cảm giác giống ông. Ông Kiểm là người đọc nhiều sách văn chương giải thích: “Ai cũng có tâm trạng ấy bởi quê hương là nơi “chôn nhau cắt rốn” và in đậm những ký ức tuổi thơ”. Nghe vậy, ông Nhật thấy tâm đắc vô cùng: Trạm xá quê ông ở ngay bên dòng sông nhỏ chạy qua làng. Mẹ ông kể, ngày trước, mỗi đứa trẻ sinh ra, nhau thai đều được cô nữ hộ sinh đem chôn trên bờ sông, vừa là để tâm tính đứa trẻ được thuận hòa, vừa là để sau này lớn lên, đi đâu, chúng cũng luôn nhớ về quê hương. Chẳng vậy mà ở tuổi ngoài sáu mươi hiện nay, hơn hai phần ba thời gian sống ở thành phố, mấy lần chuyển nhà, ông vẫn thấy bình thường; còn căn nhà nhỏ của bố mẹ ở quê, có mấy người xung quanh hỏi mua, ông không thể bán (!). Với tâm nguyện ấy, hôm Thanh minh vừa rồi, dẫu cuộc sống chẳng dư dả gì, ông Nhật vẫn dành dụm tiền mua chiếc đỉnh đồng tiến cúng cho nhà thờ họ. Việc làm nhỏ bé của ông được anh em trong họ tôn vinh, ca tụng hết lời, khiến ông cảm động đến ứa nước mắt.
Cũng bởi nặng tình với quê hương mà ông Nhật có những việc làm mà theo cách nói của vợ ông là “chẳng giống ai”. Mấy năm gần đây, tốc độ “đô thị hóa” trong đời sống sinh hoạt của người dân quê ông diễn ra nhanh đến chóng mặt. Bắt đầu từ việc phá dậu chè, dậu dâm bụt để xây tường bao, cổng sắt; tiếp đến là việc bỏ bếp rạ, đun bếp than tổ ong và giờ là mua bếp ga, nồi cơm điện, bếp từ… Ông mừng vì quê hương đổi mới, cuộc sống sinh hoạt của người dân được cải thiện. Nhưng chứng kiến cảnh người dân quê đốt rơm rạ ngoài đồng sau mỗi vụ gặt lúa, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiêu diệt thiên địch của đồng ruộng, ông Nhật cũng cảm thấy xót xa, hoài niệm: Đâu rồi khung cảnh quê hương “Nắng thơm rơm mới, đồng quê được mùa”. Đâu rồi hơi ấm ổ rơm (?). Rồi như sợ những kỷ niệm đẹp của làng quê bị xóa nhòa bởi bụi thời gian, ông Nhật nhờ cô em gái tìm mua lại của người làng những vật dụng gia đình trong đời sống thường ngày. Giờ thì trong góc bên phải gian thờ của nhà ông ở trên phố lỉnh kỉnh những vật dụng thân thương mang “hình bóng quê nhà”. Nào là bộ gần chục chiếc nồi đồng, từ niêu mốt, nồi hai… đến nồi mười lăm; chiếc nào chiếc nấy dưới loe, trên thắt, có hai tai hai bên, úp ngược lên trông như nửa chiếc trống đồng cổ. Nào là chiếc chậu thau đồng xinh xắn, có tuổi đời gần trăm năm. Rồi chiếc chum sành đựng nước mưa với chiếc gáo dừa đã “lên nước” nhẵn bóng; chiếc vại muối cà. Và còn có cả chiếc ổ gà bằng rơm nếp với mười quả trứng bằng nhựa đựng trong chiếc rổ xề do ông tự tay “thiết kế”…
Việc làm “chẳng giống ai” của ông Nhật dẫu không bị vợ phản đối nhưng cũng không ít lần khiến bà cằn nhằn: “Ông yêu quê sao không về quê mà sống, lại lôi những thứ này về, vừa mất diện tích để, vừa phải mất công lau chùi, ai mà dọn được?”. Ông Nhật nhẹ nhàng cự lại: “Bà này rõ hay! Yêu quê đâu có phải nhất thiết phải sống ở quê!”. Nhưng điều mừng là các con ông đều hiểu và ủng hộ việc làm của bố. Những lúc rảnh rỗi, cùng các con ngồi bên những vật dụng cũ, ông xúc động kể lại những kỷ niệm về một thời gian khó ở quê. Cô con gái út luôn tỏ ra thán phục khi nghe bố “triết lý” về vòng đời của mỗi con người với điểm bắt đầu và điểm cuối cùng gắn với chiếc niêu mốt. Đặc biệt ông mừng vì cậu con trai cả tỏ ra hiểu, trân trọng những cảm xúc của bố khi gọi nơi bày những vật dụng cũ gắn với kỷ niệm của ông và những người cùng thời một thuở bằng một cái tên thật chữ nghĩa, là “Góc vọng quê”./.
Đức Linh