Lễ hội Phủ Dầy năm 2015 là năm đầu tiên huyện Vụ Bản triển khai thực hiện Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy”. Vấn đề này được dư luận quan tâm, bởi đây sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, xứng tầm là lễ hội đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gồm 18 di tích, gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một trong "Tứ bất tử" trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt. Với những giá trị văn hoá tiêu biểu, ngày 9-9-2013, Bộ VH, TT và DL có Quyết định công nhận “Lễ hội Phủ Dầy” và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Việc công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho 2 di sản trên có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề và cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt quốc gia và lập hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt" trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian tới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, những năm qua, việc quản lý quần thể di tích có lúc, có nơi còn bị buông lỏng. Những vấn đề "được" và "chưa được" đã đề cập trong nhiều năm, qua mỗi lần sơ kết công tác tổ chức sau mỗi mùa lễ hội, nhiều biện pháp được triển khai nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một tốt hơn theo các quy chế về tổ chức và quản lý di tích và lễ hội của Nhà nước. Song, một số vấn đề tồn tại vẫn chưa được khắc phục tại quần thể di tích nói chung và vẫn tồn tại trong những ngày diễn ra lễ hội Phủ Dầy là: Việc bán hàng quán trong khu vực nội tự, kinh doanh văn hóa ngoài quy định; nạn hành khất, trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình bất hợp pháp diễn ra phức tạp, vi phạm các quy chế, nội quy lễ hội. Vấn đề môi trường lễ hội chưa được giải quyết triệt để.
Đội rước kiệu trong lễ hội Phủ Dầy. |
Những tồn tại, yếu kém trên cũng là lý do mà Bộ VH, TT và DL đã có ý kiến tại Công văn số 3147 ngày 20-10-2014 trả lời UBND tỉnh về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Phủ Dầy: “Việc quản lý, bảo vệ Quần thể di tích Phủ Dầy rất phức tạp, chưa thống nhất, việc quản lý nguồn thu còn chưa minh bạch dẫn đến tranh chấp quyền lợi tại các điểm di tích…; khu vực dịch vụ, bến xe…, cảnh quan di tích còn nhếch nhác, lộn xộn. Vì vậy, Bộ VH, TT và DL thấy rằng chưa nên đặt vấn đề xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Phủ Dầy trong thời điểm hiện nay”.
Đồng chí Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban Tổ chức lễ hội Phủ Dầy năm 2015 cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tháng 1-2015, huyện Vụ Bản đã ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy” nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về di tích và lễ hội; phát huy vai trò tích cực và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc quản lý và phát huy giá trị quần thể di tích. Việc ban hành và triển khai thực hiện quy chế được các nhà quản lý, giới chuyên môn, du khách thập phương và cộng đồng dân cư địa phương đồng tình, ủng hộ. Ông Trần Văn Cường, Thủ nhang phủ Vân Cát cho rằng: Quy chế với những chương, điều rất khoa học, cụ thể, đúng theo tinh thần Luật Di sản văn hóa và các quy định của các cấp thẩm quyền về công tác tổ chức và quản lý di tích và lễ hội. Việc ban hành quy chế là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích. Ông Cường cho rằng, quy chế được cộng đồng dân cư địa phương và những người được giao trông coi di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy đồng tình bởi đã nêu rõ ra các hành vi bị nghiêm cấm như: Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại công trình kiến trúc, tài sản, cảnh quan môi trường, không gian văn hóa của di tích. Tự ý san lấp, chuyển đổi, chuyển nhượng, hiến tặng đất để mở rộng xây dựng thêm công trình tại di tích hoặc lấn chiếm, sử dụng đất của di tích trái quy định của pháp luật. Xây dựng, sửa chữa, phục hồi không đúng với yếu tố nguyên gốc. Ông Trần Văn Toán, Thủ nhang đền Cây đa Bóng nêu quan điểm: Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy” đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng dân cư và các cá nhân được giao quyền trông coi di tích. Bởi, mục tiêu của quy chế là nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, mở rộng xã hội hóa trong việc bảo vệ, bảo quản di tích; đồng thời bảo đảm ổn định xã hội và phát huy tốt giá trị di tích, phục vụ trực tiếp đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hương, 56 tuổi, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là du khách nhiều năm về lễ Mẫu, tham quan Quần thể di tích Phủ Dầy tâm sự: So với mọi năm, tôi thấy, môi trường, công tác an ninh trật tự và quang cảnh các di tích thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy có nhiều chuyển biến. Tôi và các du khách rất phấn khởi và đồng tình cao khi được "mắt thấy, tai nghe" sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý di tích. Thông qua hệ thống đài truyền thanh các pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền tại các di tích, chúng tôi ủng hộ và đồng tâm thực hiện quy chế, nhất là quy định các hành vi nghiêm cấm đối với các tổ chức, cá nhân là: Lợi dụng lễ hội gây mất trật tự an ninh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến văn hóa thuần phong mỹ tục; dùng loa kêu gọi công đức, xóc thẻ, đổi tiền lẻ, hành khất và các trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, các hoạt động lợi dụng di tích để trục lợi kinh tế. Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về lịch sử nội dung giá trị của di tích làm tổn hại đến văn hóa truyền thống, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân với di tích, gây mất đoàn kết trong các bộ phận dân cư giữa các di tích trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy. Tự đặt tên không đúng với tên, địa danh của di tích.
Công tác chuẩn bị cho lễ hội Phủ Dầy năm 2015 được tiến hành sớm so với mọi năm. Ngay sau kết thúc chợ Viềng Xuân Ất Mùi, huyện Vụ Bản đã tiến hành hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm và sớm triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội. Ngày 3-3-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Vụ Bản đã ra Thông báo kết luận 335; trong đó chỉ đạo Phòng VH-TT, xã Kim Thái, các đơn vị có liên quan rà soát lại các văn bản có liên quan đảm bảo theo quy định pháp lý, phù hợp với đạo lý; thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy ở cơ sở; phối hợp với các đơn vị có liên quan ra quyết định rà soát, kiểm kê tài sản của các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy. Nắm tình hình ở những di tích không chấp hành thực hiện quy chế, kịp thời báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh và Thường trực Huyện uỷ về những vấn đề phát sinh phức tạp; chỉ đạo Công an huyện và xã Kim Thái tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời báo cáo Công an tỉnh để xin tăng cường lực lượng giúp huyện chỉ đạo ổn định tình hình trên địa bàn.
Ngày 31-3-2015, Ban tổ chức lễ hội Phủ Dầy được thành lập, với 22 thành viên và 6 tiểu ban. Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra từ ngày 21-4 đến 26-4-2015 (tức mùng 3-3 đến mùng 8-3 âm lịch). Trong đó, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong lễ hội năm 2015 là: Thực hiện đúng quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL; thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và thực hiện nghiêm Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy” của huyện Vụ Bản. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội. Tổ chức và quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ; tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, chống mê tín di đoan; tập trung giải quyết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế lễ hội như: nạn hành khất, vệ sinh môi trường, đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội và di tích, các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm bất hợp pháp.
Trong lễ hội Phủ Dầy năm 2015, ngoài phần lễ, Ban tổ chức tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao mang nét độc đáo của vùng đất “Thiên Bản lục kỳ” như: Liên hoan nghệ thuật hát Văn, Hoa trượng hội, thi đấu vật cổ truyền, thi múa rồng, lân, sư tử./.
Bài và ảnh: Việt Thắng