Xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) có trên 10 nghìn dân, trong đó có 78% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa”.
Xóm văn hóa Đồng Quỹ, xã Nghĩa Hồng trong thời kỳ đổi mới. |
Năm 2012, xã Nghĩa Hồng chỉ có 6/12 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Các xóm chưa được công nhận “Làng văn hóa” do chưa xây dựng NVH. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, 6 xóm chưa có NVH đã thành lập Ban vận động xây dựng NVH, tổ chức vận động nhân dân và con em xa quê đóng góp xây dựng NVH. Đến nay, cả 12 xóm trong xã có NVH, là nơi sinh hoạt của các đoàn thể và nhân dân. Hệ thống các NVH được xây dựng là điều kiện thuận lợi để xã đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ của xã với trên 30 thành viên đã dàn dựng được chương trình nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ các hội nghị của xã và các ngày lễ, tết. Ở các xóm cũng hình thành các tổ, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn, tạo khí thế phấn khởi, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất. Tiêu biểu như đội văn nghệ các xóm: Bắc Sơn, Đồng Quỹ, Đồng Nghĩa, Đồng Tình… Các NVH xóm đều trang bị tủ sách với số lượng hàng chục đầu sách về pháp luật, nông nghiệp phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân. Đến nay, cả 12 xóm của xã đều đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 87%. Trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, đã xuất hiện nhiều xóm tiêu biểu như: Bắc Sơn, Thái Học, Thuận Môn. Xóm Bắc Sơn có 388 khẩu, trong đó 40% đồng bào theo đạo Thiên chúa. Đồng chí Trần Thị Thuý, Bí thư chi bộ xóm Bắc Sơn cho biết: Triển khai phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, nhân dân trong xóm đã thực hiện đúng các quy định trong xây dựng hương ước, các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, NVH xóm và tích cực phát triển kinh tế gia đình. Qua 3 năm triển khai thực hiện, năm 2014, xóm Bắc Sơn đã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Để duy trì, giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, hằng năm, việc đăng ký xây dựng, tôn vinh gia đình văn hóa được thực hiện nghiêm túc gắn với các nhiệm vụ cụ thể của địa phương như xây dựng NTM, bảo vệ môi trường, khuyến học, khuyến tài. Đến nay, toàn xóm có trên 90% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tại xóm Thái Học, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của chi bộ Đảng, sự “vào cuộc” của các đoàn thể, phong trào xây dựng “Làng văn hóa” đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Tiêu biểu là các mô hình “Liên gia tự quản”, “Xóm đạo bình yên” hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ hòa giải đã phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động. Mỗi khi trong xóm xảy ra vụ việc, tổ hòa giải đều trực tiếp đến xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, thảo luận và phân công thành viên để gặp gỡ, thuyết phục người trong cuộc nên các vụ việc xảy ra ở xóm đều được hòa giải thành công. Là địa phương có nhiều tôn giáo, Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; quan tâm, hướng dẫn nhân dân sinh hoạt văn hóa tâm linh đúng theo các quy định pháp luật. Trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, các đoàn thể đã có những đóng góp tích cực như: Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng”; Hội Người cao tuổi với cuộc vận động "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo". Qua đó, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, khơi dậy tinh thần thi đua, tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Từ xã thuần nông đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành CN-TTCN, thương mại dịch vụ (chiếm 59%), bình quân thu nhập đầu người đạt 22,5 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng NTM, xã đạt 17/19 tiêu chí.
Đồng chí Đoàn Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã cho biết, để nâng cao chất lượng các đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, xã chỉ đạo các xóm thành lập Ban soạn thảo hương ước tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi, bổ sung các quy định trong hương ước cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, các bản hương ước xóm sau khi được sửa đổi, bổ sung đều có nội dung sát với thực tế địa phương, bố cục rõ ràng, mạch lạc, quy định cụ thể về xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hằng ngày; về việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ các công trình công cộng và phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái. Hương ước đã tác động trên các lĩnh vực đời sống xã hội góp phần gìn giữ thuần phong mỹ tục truyền thống ở các gia đình, dòng họ. Hiện nay, hầu hết các đám cưới, mừng thọ ở địa phương được nhân dân tổ chức trang trọng, tiết kiệm; các hủ tục trong tổ chức đám tang dần được loại bỏ./.
Bài và ảnh: Viết Dư