Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), trong tháng 4-2015, Thư viện tỉnh đã tổ chức trưng bày trên 600 cuốn sách về chủ quyền biển, đảo, về Bác Hồ, về văn hóa Nam Định… Cùng với đó Thư viện tỉnh tổ chức tuần đọc sách miễn phí từ ngày 16 đến 25-4 thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc. Hoạt động trưng bày sách và tuần đọc sách được tổ chức góp phần khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc đọc sách, nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Cụ Phạm Mai Phong (85 tuổi), phường Hạ Long (TP Nam Định), một trong những độc giả đầu tiên đến triển lãm sách cho biết: Triển lãm đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Em Trần Hồng Sơn, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) chia sẻ: Qua triển lãm sách, em và các bạn cùng lớp đến tìm hiểu đã được trang bị thêm các kiến thức về Công ước Luật Biển quốc tế, những sự kiện, tư liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta; đồng thời hiểu thêm về mảnh đất và con người quê hương, từ đó quyết tâm học tốt để phát huy truyền thống tốt đẹp.
Bạn đọc đến đọc sách, báo trong Thư viện tỉnh. |
Bên cạnh các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, những năm qua, Thư viện tỉnh và các thư viện các huyện, thư viện trường học và các tủ sách cơ sở đã có cách làm phù hợp với tình hình thực tế để phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân. Thư viện tỉnh đã thực hiện tốt công tác xây dựng vốn tài liệu bằng cách tiết kiệm nguồn kinh phí cấp ở địa phương, tranh thủ các nguồn hỗ trợ bằng sách của các cơ quan Trung ương và chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2014, Thư viện tỉnh đã bổ sung 1.900 bản sách, 110 loại báo, tạp chí, nâng tổng số sách trong thư viện là 120 nghìn cuốn và gần 200 loại báo, tạp chí. Sách, báo, tạp chí được bổ sung theo nguyên tắc: đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, Thư viện tỉnh thường xuyên bổ sung các tài liệu điện tử, tăng cường đầu tư nguồn lực thông tin điện tử, cải tạo và nâng cấp hệ thống máy tính, các cơ sở dữ liệu. Đến nay, Thư viện tỉnh đã trang bị 2 máy chủ và 18 máy bàn, 2 máy scaner, 2 đầu đọc mã vạch cho một số phòng làm việc; phần mềm quản lý thư viện tích hợp được nâng cấp, đáp ứng các hoạt động chuyên môn của thư viện như các khâu xử lý nghiệp vụ, cấp thẻ bạn đọc, quản lý bạn đọc, tra cứu tài liệu. Ngoài ra, Thư viện tỉnh quan tâm đổi mới hình thức, nội dung, chất lượng phục vụ bạn đọc, cải tiến thủ tục cấp thẻ, quy định mượn trả tài liệu. Hiện nay, Thư viện tỉnh có trên 1.300 bạn đọc thường xuyên, trung bình mỗi ngày có 200-300 lượt người đến đọc sách, báo, tra cứu thông tin. Cùng với Thư viện tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta còn có 9 thư viện huyện, 1 thư viện thành phố, gần 1.400 thư viện, tủ sách cơ sở và 4 thư viện tư nhân. Thư viện huyện Ý Yên có gần 8.000 cuốn sách các loại với trên 2.000 đầu sách, trong đó tập trung vào các loại sách văn học, thiếu nhi, sức khỏe y tế, sách nông nghiệp, pháp luật, lịch sử và chính trị xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, Thư viện huyện triển khai áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ, trong đó đổi mới cách sắp xếp phân loại sách, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thủ thư. Nhờ đó, hằng năm, Thư viện Ý Yên vẫn duy trì khoảng trên 1.000 lượt bạn đọc. Huyện Hải Hậu là một trong số ít địa phương trong tỉnh “phổ cập” tủ sách cơ sở tới từng NVH. Toàn huyện hiện có 536/546 tổ dân phố (TDP), thôn, xóm có NVH. Các NVH đều được trang bị tủ sách với đa dạng các loại sách thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp. Kinh phí xây dựng các tủ sách phần lớn do nhân dân đóng góp. Tủ sách ở NVH xóm 4, xã Hải Bắc tiêu biểu về quy mô và hiệu quả hoạt động với trên 1.000 bản sách và các loại báo, tạp chí phục vụ nhân dân. Tủ sách được phân loại từng ngăn, mục để người dân dễ dàng tra cứu, tìm sách. Ở Thị trấn Cồn, Hội CCB thị trấn đã tích cực vận động nhân dân tặng sách và tổ chức mở cửa vào các ngày trong tuần để phục vụ nhân dân. Đến nay, 16 tủ sách NVH ở các TDP đều phát huy hiệu quả hoạt động, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, để người dân phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức xã hội. Tại xã Hải Hà, còn có cách làm sáng tạo để người dân tiếp cận với các thông tin báo chí kịp thời như các ấn phẩm của Báo Nam Định, Báo Nhân Dân ở các chi bộ sau khi khai thác đều được chuyển đến tủ sách NVH các xóm phục vụ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với đối tượng là học sinh, giáo viên, các thư viện trong trường học chính là môi trường lý tưởng để phát triển văn hóa đọc từ gốc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 thư viện trường học với hàng trăm thư viện đạt chuẩn. Thư viện Trường THCS xã Hải Thanh (Hải Hậu) là một trong những thư viện trường học được trang bị đầy đủ hệ thống tủ đựng sách, báo, bàn, ghế ngồi phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của giáo viên và học sinh. Các giá sách, những cuốn truyện tranh, sách tham khảo được sắp xếp gọn gàng và được trang trí bắt mắt, phù hợp với thị hiếu học sinh. Để hình thành thói quen đọc sách, bồi đắp cho học sinh niềm yêu thích sách, báo, bên cạnh việc đầu tư kinh phí mua sách, huy động các nguồn lực xã hội đóng góp ủng hộ, nhà trường còn phát động mỗi em góp một cuốn sách hay cho thư viện. Phong trào đọc và làm theo sách, báo đã góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh hướng các em tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài những cách làm trên, để khuyến khích phong trào đọc sách, nhiều năm qua, Thư viện tỉnh đã có chương trình tri ân, tặng sách cho bạn đọc thân thiết; tổ chức các hội thi kể sách… đã thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi tham gia. Ở huyện Vụ Bản, hằng năm Phòng VH, TT phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện duy trì hội thi giới thiệu sách dành cho thiếu nhi vào dịp hè để các em có thêm niềm say mê đọc sách. Phòng VH, TT các huyện Trực Ninh, Ý Yên cũng tổ chức thi đọc sách cho học sinh dưới dạng trả lời câu hỏi; tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền giới thiệu sách theo các chủ đề: ATGT, phòng, chống tai tệ nạn xã hội… tới từng xã trong huyện. Các xã: Phương Định (Trực Ninh), Liên Bảo, Minh Tân (Vụ Bản) đã thành lập CLB đọc sách, báo với hàng chục hội viên tham gia sinh hoạt góp phần khơi dậy văn hóa đọc của người dân.
Để văn hóa đọc tiếp tục đi vào thực tế cuộc sống của người dân, ngoài yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động hệ thống thư viện từ tỉnh tới huyện trong xu thế công nghệ thông tin hiện nay, rất cần sự chung tay của các địa phương, trường học trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách. Có như vậy, chất lượng văn hóa đọc mới được nâng lên./.
Bài và ảnh: Viết Dư