Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có gần 50 di tích gồm hệ thống các đình, chùa, đền, phủ, lăng, miếu, từ đường dòng họ. Ngày 28-1-2015, Bộ VH, TT và DL đã ban hành Quyết định số 225 công nhận xếp hạng di tích đình Bườn, miếu Trúc và mộ các nhân vật lịch sử liên quan thuộc xã Mỹ Thắng là Di tích lịch sử quốc gia.
Đình Bườn và những di tích có liên quan như: lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu, lăng mộ Tướng quân Cao Mộc, miếu Trúc thờ Tướng quân Phùng Gia được xây dựng trên khu vực đồn binh An Biện (Bườn) xưa của Đinh Bộ Lĩnh. Đây là một trong những căn cứ quan trọng trong việc tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đình Bườn và những di tích liên quan là nơi thờ tự và tri ân của nhân dân địa phương đối với Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia, Tướng quân Cao Mộc - những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh. Các vị thần đã được nhân dân suy tôn, các triều đại phong kiến sau này đều ban tặng sắc phong làm Thành hoàng làng.
Theo hồ sơ di tích, căn cứ vào thần tích, đạo sắc phong, câu đối, đại tự tại địa phương, đình Bườn thờ Đàm Hoàng Thái hậu (mẹ Vua Đinh Tiên Hoàng) và hai tướng quân của Vua Đinh là Phùng Gia Tướng quân và Cao Mộc Tướng quân. Về giá trị kiến trúc, đình Bườn xây theo hướng đông nam, có hai tòa chính là tiền đường và cung cấm tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ "Nhị". Nghi môn được tạo thành bởi hệ thống đồng trụ xây bằng gạch vữa. Tòa tiền đường dài 18,50m, rộng 9,50m, hai mái lợp ngói nam; là công trình kiến trúc gỗ khá đồ sộ với cách dựng 4 hàng cột. Các cột này đều được đặt trên những chân tảng đá vuông, chạm khắc gờ chỉ tinh xảo. Tòa cung cấm với 3 gian xây cuốn, hệ thống vỉ kèo. Tại gian giữa đặt khám và bài vị thờ Đàm Hoàng Thái hậu, gian phía tây đặt ngai và bài vị thờ Tướng quân Cao Mộc, gian phía đông thờ Tướng quân Phùng Gia. Lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu cách đình Bườn 500m về phía bắc trên khuân viên 530m2. Lăng mộ xây hình chữ nhật; trước mộ là khám thờ xây theo kiểu 2 tầng, 8 mái. Lăng mộ Tướng quân Cao Mộc cách đình Bườn 700m về hướng đông nam trên diện tích 168m2. Khám thờ quay ra mộ xây kiểu 2 tầng, 8 mái, lợp giả ngói ống; trên cổ đẳng khám có nhấn đại tự chữ Hán "Tuy niệm tiền ân" (tưởng nhớ ơn đức xưa). Miếu Trúc cách đình Bườn 700m về hướng bắc, trên diện tích 200m2. Miếu có mặt bằng hình chữ "Nhất", gồm 3 gian quay dọc.
Đình Bườn, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tháng 1-2015. |
Về giá trị lịch sử, cùng với các đạo sắc phong thần, tại đình Bườn và các di tích có liên quan còn có nhiều câu đối ca ngợi công đức và sự thờ tự đối với Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Cao Mộc và Tướng quân Phùng Gia, như: "Vạn thắng sơn hà, lưu danh thiên cổ sử. Tam thần hương hỏa, uy linh vạn thiên từ" (Vạn chiến công của nước non, lưu danh nghìn năm trong sử sách. Ba vị thần được thờ phụng, oai thiêng muôn thuở ở đền đây). Theo các nhà khoa học, vào thế kỷ thứ X, Nam Định không chỉ là đại bản doanh của Sứ quân Trần Lãm (Trần Công Minh) mà còn là địa bàn chịu ảnh hưởng sâu rộng của nhiều Sứ quân khác như: Kiều Công Hán, Ngô Nhật Khánh, Phạm Bạch Hổ. Với tài thao lược, Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục được nhiều người tham gia nghĩa quân; không những thế, ông đã cử nhiều tướng lĩnh sang Nam Định chiêu mộ quân sĩ, tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ chuẩn bị cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Sự hiện diện của mẹ Vua Đinh và sự tồn tại của các di tích liên quan, đặc biệt là đình Bườn là những chứng cứ khoa học xác định nơi đây là một căn cứ quan trọng của Đinh Bộ Lĩnh trong thời kỳ đầu chiêu binh. Chính từ nơi đây, Đinh Bộ Lĩnh đã tiến hành công cuộc thống nhất đất nước.
Hằng năm, tại di tích, nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia và Tướng quân Cao Mộc với các nghi thức rước nước, lễ cầu mát, rước kiệu và các trò chơi dân gian độc đáo như "Cờ lau trận giả", "Thi xôi, thi lợn". Trước đây, vào ngày 13-11 (là ngày kỵ của Tướng quân Cao Mộc) nhân dân mở hội, tổ chức trò "Cờ lau trận giả" tại di tích miếu Trúc. Nhân dân làng Bườn chọn người đóng vai Đinh Bộ Lĩnh và hàng chục người, chia làm hai phe, mặc trang phục khác nhau, tổ chức đánh trận giả. Đạo cụ gồm có cờ, kiếm, gậy trúc và bông lau làm cờ hiệu, có chiêng, trống làm hiệu lệnh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người có công với làng, nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của quê hương.
Thời gian qua, thực hiện Luật Di sản văn hóa, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Thắng đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngay sau khi di tích đình Bườn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005, xã Mỹ Thắng đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán và tổ chức phổ biến công khai, giúp người dân và khách tham quan hiểu biết về các giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và kinh phí tiến cúng của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị trong tỉnh và con em quê hương, thời gian qua, cụm di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Ban quản lý di tích thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý uống nước nhớ nguồn và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn xã được thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc. Tiêu biểu như: đền Sắc được tu bổ với kinh phí trên 10 tỷ đồng; đình Mỹ trùng tu với kinh phí 2 tỷ đồng; chùa Sắc tu bổ với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; chùa Đoài, chùa Kim, chùa Nội, chùa Thịnh được tôn tạo, tu bổ với kinh phí từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Đồng chí Trần Sỹ Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: Thời gian tới, xã Mỹ Thắng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá để tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách về công tác xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích, lễ hội. Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc