Mỗi lần về thăm quê, dù không phải là ngày rằm, mùng một, tôi vẫn thường có thói quen đi lễ Phật, vãn cảnh chùa, để bồi hồi tìm về với những kỷ niệm ngày xưa.
Ảnh: Internet |
“Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”! Hầu như làng nào ở quê tôi cũng có một ngôi chùa nằm êm đềm dưới những bóng đa, bóng muỗm cổ thụ sum suê. Ngôi chùa làng tôi lớn nhất vùng, tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng, rộng rãi, bao quanh là cánh đồng lúa mênh mông. Từ xa nhìn lại đã thấy thấp thoáng trên nóc chùa đôi rồng chầu mặt nguyệt như đang bay lượn giữa mây trời. Trải qua bao mưa nắng thời gian, những lớp ngói vảy cá trên mái chùa đã xanh màu rêu phủ, nhưng những cột gỗ lim kê trên chân tảng đá xanh hình búp sen vẫn vững chãi và nâu bóng. Trước chùa là một chiếc giếng cổ, nước trong vắt nổi bật những cụm hoa súng tím hồng. Ngày bé, tôi vẫn thường lẽo đẽo theo chị ra giếng chùa gánh nước. Đi trên con đường lát gạch đỏ nghiêng chạy suốt từ cổng chùa vào sân, tôi lại nhớ đến những năm tháng tuổi thơ, nhớ đến câu chuyện bà kể về người phụ nữ lam lũ chuyên nghề mò cua bắt ốc, khi mò được túi vàng dưới sông trước cửa chùa đã mang vào công đức tôn tạo lại chùa. Đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, chùa làng vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Những ngày sóc, vọng, chúng tôi đều lẽo đẽo theo bà đi lễ chùa. Bà tôi mặc áo dài nâu, tay cầm tràng hạt, tay dắt đàn cháu nhỏ. Vừa đi, bà vừa giảng giải cho chúng tôi cặn kẽ về lịch sử ngôi chùa, về những năm tháng chiến tranh, chùa làng từng là nơi cất giữ các tài liệu mật và nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng. Chùa làng đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bao đứa trẻ làng tôi, dạy chúng tôi biết làm điều thiện, tránh xa điều dữ. Những tháng nghỉ hè, hầu như không ngày nào bọn trẻ chúng tôi không có mặt trong sân chùa. Giữa không gian mát rượi, rợp bóng những cây muỗm, cây nhãn, cây đa hàng trăm tuổi, lũ trẻ tha hồ chơi ô ăn quan, bán hàng. Những bé gái tha thẩn nhặt những bông hoa đại rụng trắng muốt trên nền sân rêu ẩm ướt, xâu thành chuỗi đeo vào cổ. Đối với người lớn thì chùa làng không chỉ là không gian văn hóa tâm linh, nơi cầu bình an cho mọi người mà còn quá đỗi gắn bó, thân thiết. Thường là cứ vào cuối tuần, bà và mẹ tôi cùng các phụ nữ trong làng lại vào giúp nhà chùa quét sân, nhổ cỏ, trồng hoa. Những lúc đi làm đồng về, các bác thợ cấy, thợ cày bao giờ cũng dừng chân bên gốc đề trước sân chùa nghỉ giải lao, tận hưởng những ngọn gió mát lộng từ sông thổi vào.
Chùa làng qua bao biến thiên của thời gian vẫn trầm mặc đứng đó, ngân nga tiếng chuông mỗi sớm, mỗi chiều. Chỉ cần bước qua cổng tam quan, mọi âu lo dường như tan biến, chỉ còn thấy lòng nhẹ tênh khi dạo bước trong không gian thoang thoảng mùi hương trầm và ngan ngát hương của hoa ngâu, hoa đại./.
Lam Hồng