Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội mùa Xuân diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch; trong đó, có nhiều lễ hội lớn. Tiêu biểu như: Chợ Viềng Xuân (Nam Trực, Vụ Bản); Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định); lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu); lễ hội hoa làng Vị Khê, lễ hội chùa Bi (Nam Trực); lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường); lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng); lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản); lễ hội làng Tống Xá, lễ hội làng Nhuộng, lễ hội làng La Xuyên (Ý Yên); lễ hội Đình Kiên Hành, xã Giao Hải, lễ hội Đền chùa Thanh Khiết, xã Giao Yến, lễ hội làng Hòe Nha, xã Giao Tiến (Giao Thủy)...
Thực hiện Quyết định 17/2013/QĐ-UBND tỉnh về “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, năm 2014, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương. Các địa phương có di tích đều thành lập Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. Phòng văn hóa các huyện, thành phố và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiên nghiêm các chính sách về công tác môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội. Tại các di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, Ban tổ chức lễ hội tăng cường thanh tra, kiểm tra, yêu cầu bố trí, sắp xếp khu vực đốt hương, hóa sớ; các điểm đặt hòm công đức ở nơi thờ tự được bố trí hợp lý, phân công người thường trực thu gom hương, tiền đặt lễ vào đúng nơi quy định. Qua đó, từng bước hạn chế tình trạng hành khất, bán hàng rong, nạn cờ bạc, các cơ sở kinh doanh nâng giá, bắt chẹt du khách tại các lễ hội và điểm du lịch văn hóa tâm linh. Cụ thể, năm 2014, thực hiện Quyết định 17 của UBND tỉnh, huyện Giao Thủy có công văn chỉ đạo các cấp, ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hình thức tổ chức trò chơi đánh bạc ăn tiền, hoạt động mê tín dị đoan, bày bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành, dùng loa phóng thanh quảng cáo gây mất trật tự công cộng tại các lễ hội. Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian như cờ tướng, chọi gà, cà kheo, múa lân, bơi trải, hát chèo, chầu văn… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhất là nơi có di tích và lễ hội thực hiện đăng ký, niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, làm thủ tục đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Tại Thành phố Nam Định, năm 2014, là năm thứ 4 thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý, tổ chức, phục dựng và triển khai thành công nghi lễ rước nước và tế cá. Đây chính là cơ sở để Bộ VH, TT và DL ban hành Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Đền Trần là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, cùng với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần, Chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Đền Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội Trần) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại huyện Vụ Bản, ngày 6-1-2015, UBND huyện ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy”. Quy chế gồm 6 chương, 18 điều, quy định rõ đối tượng áp dụng, nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đồng thời nêu ra các hành vi bị nghiêm cấm và cũng chỉ rõ các hình thức xử lý vi phạm là: Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, vi phạm Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy” tùy theo tính chất và mức độ mà bị xử lý phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng chí Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Việc ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy” nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố nguyên gốc của di tích, quản lý tốt việc tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật.
Nghi thức rước nước, tế cá trong Lễ khai ấn Đền Trần năm 2014. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội nói chung và lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề tồn tại. Cụ thể, không ít lễ hội diễn ra còn lộn xộn, khuôn viên di tích và môi trường cảnh quan ở một số lễ hội bị xâm hại; các hình thức kinh doanh dịch vụ như hàng quán bày bán trước khuôn viên di tích gây mất cảnh quan lễ hội; nạn hành khất theo khách xin tiền gây sự phản cảm cho du khách chưa được khắc phục. Ý thức văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến không gian tâm linh. Việc thắp hương, đốt vàng mã nhiều gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan di tích. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ người tham gia lễ hội thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, trẩy hội, hành lễ bằng những hành vi gây phản cảm. Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội mùa Xuân Ất Mùi 2015, ngày 30-1-2015, UBND tỉnh có Công văn số 20 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm chống lãng phí; Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4-9-2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; Quyết định 17/2013/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”. Xây dựng các phương án, kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2015 tại địa phương phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả... Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, ý nghĩa của lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội. Tổ chức, sắp xếp các hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, bảo đảm tính thẩm mỹ, thuận tiện cho nhân dân, không để ùn tắc, lộn xộn, mất vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trong lễ hội. Thu gom rác thải kịp thời, xây dựng và nâng cấp nhà vệ sinh công cộng, phòng chống trộm cắp, cháy nổ, đảm bảo tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội. Hướng dẫn nhân dân đặt lễ và nơi thờ tự đúng nơi quy định.
Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hành khất, đeo bám khách, tăng giá cả dịch vụ, đốt pháo nổ, thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra trong lễ hội. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, biểu dương các nét đẹp trong lễ hội góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội. Sở VH, TT và DL phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong lễ hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Việt Thắng