Người Việt xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", là để kể về 4 thú chơi tao nhã vào những ngày Tết. Ngày nay, đời sống đã khấm khá hơn, thú chơi tranh, vì vậy thu hút được số lượng lớn người thưởng ngoạn. Gallery tranh Khang Duy, 146 đường Điện Biên (TP Nam Định) của họa sĩ trẻ Khang Duy hiện rất đắt hàng. Gallery bày bán rất nhiều loại tranh: tranh 3D trang trí, sơn dầu, lụa, thêu cho đến mầu nước hoặc tranh composite chất liệu nhựa đặc cao cấp nhập từ Đài Loan… Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, hầu hết khách hàng tìm đến đây đều chọn tranh 3D trang trí hoặc các bức composite màu sắc rực rỡ về để làm mới lại không gian phòng khách, nhà vườn, quán hàng… nhân dịp năm mới.
Chỉ còn trên chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Không khí Tết đang về trên khắp các phố phường khu vực nội thành. Trên nhiều con phố, sắc thắm của đào mai, màu vàng rực của những chậu quất cảnh đang khoe sắc. Nhịp sống thường nhật trở nên vội vã. Những ngày này, cũng là dịp người người, nhà nhà tranh thủ nốt vài ngày cuối năm để bày biện, sửa sang, làm đẹp nhà cửa với nhiều cách khác nhau. Bên cạnh việc xây một ngôi nhà đẹp, chủ nhà còn muốn trang trí không gian trong nhà sao cho hài hòa, đẹp mắt hơn, do đó các loại tranh có chỗ đứng trên thị trường. Dạo qua một loạt các cửa hàng tranh trong thành phố, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí, những màu sắc tươi mới của mùa xuân đang về trên các bức vẽ. Họa sĩ Khang Duy cho biết: “Mặc dù là mặt hàng được bày bán quanh năm nhưng thực tế thì tranh chỉ đắt hàng khi vào chính vụ, đó là thời điểm từ tháng 11 trở đi. Số lượng tranh bán những ngày này, có thể nói gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhu cầu trang hoàng nhà cửa, không gian quán xá đang “kích cầu” cho những người buôn bán tranh như chúng tôi”. Theo ước tính của anh Duy, vào chính vụ, trung bình mỗi ngày gallery của anh có thể bán được khoảng 5 triệu đồng tiền tranh. Ngày nào may mắn, có khách đến đặt mua những bức tranh lớn doanh thu có thể đạt tới 10-15 triệu đồng. Ngày nhiều bù ít, trừ chi phí anh thu về trên dưới 1 triệu đồng tiền lãi. Để phục vụ cho nhu cầu chơi tranh của người dân, chủ các cửa hàng tranh, các gallery nhập hoặc trực tiếp vẽ rất nhiều loại tranh khác nhau với mức giá phải chăng. Khảo sát nhanh giá của hầu hết các loại tranh cho thấy, những ngày cận Tết giá cả không chênh lệch, hoặc chỉ tăng nhẹ từ 3-5% so với ngày thường. Đặc biệt, các loại tranh mới như composite, tranh 3D hầu như giá không thay đổi bởi loại tranh này, hầu hết được chủ các cửa hàng nhập, “găm” về từ trước, do đó không chịu tác động của cước vận chuyển hoặc sự ép giá của nhà sản xuất. Giá của 1 bức composite nhựa đặc cao cấp có chiều cao 1,4m, dài 3m khoảng 10 triệu đồng/bức. Cùng loại này, khổ nhỏ hơn, cao 1,4m, dài 2,6m có giá khoảng 8 triệu đồng/bức. Một bức tranh sơn dầu cao 1,2m, dài 2,4m được bán với giá 2 triệu đồng/bức. Tranh in lụa khổ to cao 2,4m, dài 2,6m được niêm yết giá từ 1,5-2 triệu đồng/bức. Tranh 3D có giá dao động từ 2-5 triệu đồng/bức tùy kích thước cụ thể. Tuy nhiên, phù hợp với thị hiếu, túi tiền của người tiêu dùng hơn cả vẫn là các loại tranh khổ bé có chiều dài và chiều cao khoảng từ 1-1,5m với giá bán trên dưới 1 triệu đồng. Chị Thảo, chủ cửa hàng tranh Mạnh Hiền, đường Trần Phú cho biết thêm: “Những loại tranh khổ to có giá từ 8-10 triệu đồng trở lên rất khó bán. Bởi so với mức thu nhập chung, loại tranh này khá đắt đỏ. Hơn nữa, những bức này tương đối kén không gian. Phải là những căn hộ lớn, hoặc biệt thự, quán cà phê, người chơi mới có chỗ trưng bày. Đa phần, dân chơi tranh chọn những bức có khổ và giá thành vừa phải để phù hợp hơn với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của gia đình mình”. Tuy giá cả các loại tranh không tăng nhưng cũng theo chị Thảo, giá các loại khung đóng tranh lại tăng lên. Lý do được chị Thảo lý giải: “Tranh thêu chữ thập hiện vẫn khá “hot” trên thị trường, thu hút được số lượng các bà, các chị thêu tương đối. Là người thêu, ai cũng muốn hoàn thiện tác phẩm của mình trước Tết để có dịp trưng bày, “khoe” với khách đến nhà. Do đó, số lượng người đến đóng khung tranh thêu thường tăng đột biến so với thời điểm trong năm. Trong khi đó, những ngày giáp Tết cũng là dịp các chủ cửa hàng khó thuê được người làm, giá thành vật giá cũng bị đẩy lên chút ít so với ngày thường.
Họa sĩ trẻ Khang Duy giới thiệu các bức tranh vẽ 3D tại gallery tranh Khang Duy, 146 đường Điện Biên (TP Nam Định). |
Năm nay, thị trường tranh ở Thành phố Nam Định nhập về 2 loại tranh mới, khác biệt so với những loại “truyền thống” khác là tranh composite và tranh đính đá từ Trung Quốc. Ưu điểm của 2 loại tranh này là kiểu dáng độc đáo, mẫu mã bắt mắt và giá thành cũng tương đối phù hợp. Một loại tranh nữa không mới nhưng hiện đang thu hút số lượng kha khá các khách hàng “sành” và thời thượng là tranh vẽ 3D. Họa sĩ trẻ Khang Duy, người đầu tiên trực tiếp vẽ và đưa loại tranh này về Thành phố Nam Định bán cho biết thêm: “Tôi chủ yếu dùng sơn dầu để vẽ tranh 3D. Việc tìm kiếm các ý tưởng để vẽ tranh theo tôi là khó khăn hơn cả. Tôi thường tìm kiếm và thể hiện ý tưởng thông qua những quan sát thường ngày về cuộc sống, hoa lá, cỏ cây, phong cảnh mà tôi đã từng thấy, có dịp đi qua. Tôi cũng thường xuyên lên mạng để tìm tòi, học hỏi thêm những cách vẽ mới, thể hiện khác lạ sao cho tác phẩm của mình độc đáo, không “đụng hàng”. Có những bức tranh 3D vẽ trực tiếp lên tường lại có những bức vẽ trên vải hoặc giấy. Quan sát số lượng tranh bán ra, tôi nhận thấy, khách hàng thích loại tranh 3D vẽ các loại hoa lá hơn cả. Đặc biệt, dịp gần Tết loại tranh này bán rất chạy hàng. Mỗi ngày gallery của tôi có thể bán được 3-5 bức với các kích cỡ khác nhau”.
Cũng theo quan sát của chúng tôi, thì có một thực tế đáng buồn là các loại tranh dân gian như Đông Hồ, tranh Hàng Trống hiện tuyệt nhiên “sạch bóng” tại các cửa hàng tranh. Màu sắc tinh tế, nội dung tranh vui nhộn, tranh dân gian tái hiện lại cuộc sống đời thường bằng thứ nhãn quan rất tinh tế của người xưa. Mỗi bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống vì thế còn là sự thể hiện ước vọng cuộc sống, triết lý sống ở đời… Vì vậy, dòng tranh dân gian khoảng vài năm đổ về trước vốn rất được người chơi tại các đô thị lớn yêu thích. Tuy nhiên, loại tranh này hiện giờ rất “kén” người chơi: “Thỉnh thoảng mới có một cụ già hoặc một vị khách là nghệ sĩ nào đó hỏi tôi có bán tranh dân gian không. Ít người mua quá nên chúng tôi cũng không dám nhập về. Nhập tranh về không bán được, để lâu sẽ bị mốc, phai màu nên mặc dù biết đây là loại tranh truyền thống của dân tộc, rất ý nghĩa nhưng thị trường tiêu thụ làm chúng tôi băn khoăn. Có chăng hiện nay, chỉ có tranh câu đối là còn có người tìm hỏi mua. Tuy nhiên, cũng phải là tranh câu đối trang trí, nghĩa là ngoài câu đối, họa sĩ còn phải vẽ vời thêm hoa thêm lá nữa mới bắt được mắt người chơi”, chị Thảo chia sẻ.
Xếp thứ 2 trong những thú chơi ngày Tết của người Việt xưa, ngày nay, đời sống khấm khá hơn, nhu cầu chơi tranh cũng theo đó mà đa dạng, phong phú hơn. Mùa xuân về, người ta thường chuộng những sắc màu tươi tắn về trang trí cho nhà cửa, sân vườn để mong ước về một xuân mới dồi dào sức khỏe, bình yên, tài lộc. Nhịp sống vội vã, những thứ thưởng thức có thể không còn được cầu kỳ, tinh túy như người xưa, nhưng treo một một bức tranh đẹp, tươi sáng với nhiều ước vọng may mắn, sinh sôi trong năm mới thì vẫn theo mãi tiềm thức mỗi người, và vĩnh viễn bất biến với thời gian./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân