Rước lửa linh thiêng đêm hội Giao thừa

09:02, 24/02/2015

Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hiến, hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn bảo tồn được những phong tục, tập quán mang đậm nét văn hóa độc đáo; trong đó có tục rước lửa đêm Giao thừa.  

Tục rước lửa đêm Giao thừa ở làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) có từ đời Lê Trung Hưng (giữa thế kỷ XVII). Tục này gắn liền với việc tướng quân Phạm Phúc Quảng (tức Cẩm Phú Hầu Thượng tướng quân) được triều đình lệnh tập hợp binh sĩ đi đánh giặc Chiêm Thành bảo vệ biên cương vùng Tân Bình (Thuận Hóa). Ông đã huy động quân sĩ của 5 dòng họ: Vũ, Nguyễn, Phạm, Trần, Đoàn và dân binh các làng lân cận tạo thành 1 đội quân hùng hậu chống giặc Chiêm Thành. Trước khi ra trận, tướng quân Phạm Phúc Quảng và binh sĩ mỗi người trên tay một đuốc lửa vào bái tổ Thành Hoàng làng để cầu cho “Quốc thái dân an”. Từ đó, dân làng Vĩnh Lại đã duy trì tục rước đuốc đêm Giao thừa. Để chuẩn bị cho lễ rước đuốc, từ ngày 25 tháng Chạp, dân làng sẽ chọn một cụ cao niên làm đại diện cho làng đốt bó đuốc khai niên. Người được chọn phải đủ 5 điều kiện như: Kinh qua một số chức vụ; phụ, mẫu song toàn; gia đình văn hóa; con cháu phương trưởng; có uy tín với dân làng. Những bó đuốc được dùng trong lễ rước phải là những thanh nứa lãi, được ngâm qua nước rồi đem phơi cho nỏ, mỗi bó đuốc thường dài từ 1,2 đến 1,5m. Đặc biệt, lễ vật trong lễ rước đuốc phải là bánh chưng lồng. Để làm bánh, người sửa lễ đan lồng bằng nứa vuông vắn, sau đó lót lá vào đáy nồi, đổ gạo nếp, đậu, thịt, hành, gia vị rồi gói lại, đun liền 2 ngày đêm mới vớt ra. Vào giờ Tý (23 giờ) đêm giao thừa, khi dân làng đã tề tựu đông đủ trước sân và quanh khu vực đền Ngoài, một vị trong ban hành lễ nêu lý do và ý nghĩa của việc xông đền. Đúng mười hai giờ đêm, chủ tế bước lên bậc thềm chính giữa cửa đền để làm lễ xin rước lửa, sau đó trao đuốc cho thủ từ đốt thêm nến, nhang và đưa đuốc ra sân đền cho mọi người cùng châm đuốc nhận lửa Thánh. Ánh lửa bập bùng trên tay mỗi người hòa trong tiếng trống rộn rã của hội múa rồng theo con đường về đền Trong thờ Đức Thánh Hai và tiến hành các bước như ở đền Ngoài. Sau đó mọi người vào chùa chúc Tết sư trụ trì và mang lửa Thánh tản về các gia đình xông nhà chúc Tết, đón xuân. Tục rước lửa đêm giao thừa ở làng Vĩnh Lại ngoài ý nghĩa tri ân chiến công của tướng quân Phạm Phúc Quảng còn là dịp để nhắc nhở các thế hệ con, cháu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng để xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no.

Đội tế nam quan làng Hoành Đông, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) tập luyện nghi thức rước đuốc đêm Giao thừa.
Đội tế nam quan làng Hoành Đông, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) tập luyện nghi thức rước đuốc đêm Giao thừa.

Ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy), cũng có tục rước lửa đêm giao thừa tại đền làng Hoành Đông. Từ ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo về trời, các gia đình đều dựng cây nêu trước nhà, cũng là lúc bản thông báo về chương trình rước đuốc được dán ở nhiều nơi trong làng. Vào đầu giờ Tý đêm giao thừa, nhân dân các họ sau khi làm lễ ở từ đường sẽ tập trung ở đền làng với bó đuốc trên tay. Cửa đền rộng mở, tiếng chiêng trống nổi lên, các già làng dâng hương kính thần để nhân dân động thổ trồng cây xanh trong khuôn viên đền. Vào giờ khắc sang năm mới, một cụ cao niên được dân làng tín nhiệm mặc trang phục khăn, áo đỏ vào cúng thần và xin lửa từ cung cấm ra ngoài bồn lửa trước cửa đền. Khi ngọn lửa bùng lên, dân làng thứ tự từ già đến trẻ châm đuốc để rước lửa thần đưa về bàn thờ gia tiên cúng sang canh, đón năm mới, hội tụ gia đình, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.

Làng Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) nổi tiếng với nghề sơn mài từ thời Trần do hai tổ nghề Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba truyền dạy cho trai tráng trong làng. Tục xin lửa Thánh vào đêm Giao thừa ở làng Cát Đằng cũng khởi nguồn từ thời đó. Đến nay, lễ xin lửa vẫn được duy trì trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Vào chiều 30 Tết, các thanh niên trai tráng trong làng tập trung làm đuốc. Họ chọn những thanh gỗ dài, chắc chắn để làm cán rồi cắm que sắt quấn vải được tẩm dầu hỏa. Đến gần giao thừa, một số nam thanh niên trong làng khênh kiệu hoa rước người chủ tế ra đình làng làm nghi thức xin lửa Thánh. Sau đó, lửa được rước và châm vào vạc dầu ở sân đình. Các trai làng vây quanh vạc dầu, đưa cây đuốc của mình vào lấy lửa về nhà để thắp hương bàn thờ gia tiên, nhóm bếp lửa cho gia đình. Với những gia đình neo đơn, không có người đi lấy lửa, hàng xóm sẽ đem lửa lấy từ đình làng, mang đến xông nhà và chúc Tết. Đó là nét đẹp thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.

Cũng tại huyện Ý Yên, ở làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh vào đêm giao thừa, hàng nghìn người dân tập trung ở đình làng để xin lửa thiêng. Khác với tục rước lửa ở làng Cát Đằng chỉ có nam thanh niên đại diện gia đình đi rước, ở La Xuyên nam thanh, nữ tú đều có thể tham gia. Sau khi xin được lửa từ đình làng, mọi người sẽ tới xông nhà, cầu chúc bình an, sức khỏe, may mắn, tiền tài cho anh em họ hàng, sau đó mới mang đuốc lửa về xông đất, thắp đèn dầu, giữ ngọn lửa trong bếp suốt ba ngày Tết. Lễ rước lửa ở Yên Ninh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị tổ nghề, đồng thời bày tỏ khát vọng truyền ngọn lửa đam mê nghề mộc tới thế hệ trẻ quê hương.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân thường xuất hành xin lửa ở các đình, đền, chùa, miếu bằng một nắm hương hoặc một cây hương lớn rồi mang về thắp tại bàn thờ gia tiên. Nhiều người tin rằng, đi xin lửa không đơn thuần để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người cảm nhận được sự giao hòa của đất trời trong thời khắc chuyển giao của đất trời. Ngọn lửa trên tay cùng với những lời chúc sức khoẻ, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn là ý nguyện gắn kết tình cảm cộng đồng để vượt qua những khó khăn thử thách trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Giá trị văn hoá của tục rước lửa được kết tinh từ hàng nghìn đời nay mang đậm tính nhân văn, thể hiện ước nguyện hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống tinh thần của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com