Mùa xuân tới, lặng lẽ rồi bung nở mãnh liệt trên vườn đào đỏ thắm những nụ, xanh nõn lộc vườn nhà mẹ tôi siêng tưới tắm, chăm bón. Mưa xuân rây rây giăng sợi trên mái ngói thâm thâm. Mẹ xòe tay ra khỏi hè nhà cảm giác lành lạnh. Tất bật, mẹ dỡ vội mấy cành cây hãy còn đang dấp quanh hốc chè mới ươm. Phải dỡ ra cho cây hứng kịp “lộc” xuân của trời đất. Để mùa vụ tới cây tràn nhựa sống, tốt tươi - Mẹ nói. Mùa xuân là mùa hồi sinh của mọi loài cây trồng trên mặt đất. Chiếc đũa thần của mùa xuân kịp “hồi sức” vạn vật. Bố vác cuốc ra đồng thăm ruộng mạ mới gieo được trên chục ngày hãy còn non gốc, xanh lốm đốm đầu. Bố bảo, mùa xuân là mùa thích hợp nhất để dong con trâu ra đồng, làm mới đất đai. Cả làng tôi, vì vậy đẫm cái mùi nồng nồng ngai ngái của đất hãy còn vấn vít. Chỉ dăm bữa nửa tháng thôi, từ đất “mọc” lên hàng ngàn, hàng vạn mảnh ruộng xanh mỡ màng rồi từ từ chuyển màu vàng rộm. Rồi đất xâm xấp nước, rồi đất nghỉ ngơi, rồi đất lại vào vụ… Nhịp điệu của thời gian cũng cứ thế xoay vần, con người căn cứ vào nhịp ấy mà làm nên mùa màng, thuận khí trời điều hòa nhịp sống, sinh sôi nảy nở sao cho yên ấm.
Tết đến, nội tôi cố nhúc nhắc cái chân hãy còn đau đau ra phố bán mấy cành hoa giấy bà tỉ mẩn làm hồi trong năm. Bà bảo, chẳng phải vì “đồng tiền bát gạo” mà “muốn cảm nhận cái không khí Tết nhộn nhịp của phố phường, cái háo hức của tuổi già khi gặp lại tâm trạng những ngày thơ bé được theo cụ ra phố chơi Tết”. Phố phường vào Tết vui tươi, tấp nập, người già cũng được vui lây, thấy mình trẻ, khỏe thêm ra. Góc phố, giữa muôn hồng nghìn tía sắc hoa, chỗ bà tôi ngồi mái tóc trắng cước bồng bềnh bay như mây. Nụ cười đen hạt huyền của bà kịp níu chân nhiều người. Họ bảo, con mua cây hoa giấy của cụ lấy may, chúc cụ năm mới thêm sức khỏe. Bà tôi cẩn thận gói cây hoa vào tờ báo cũ đưa lại, mừng năm mới cô chú. Góc phố ngày cuối năm ấm áp, rộn ràng. Bà tôi nhẹ nhàng cầm chiếc thúng trống không đi về, những sợi mây trên đầu vẫn trôi bồng bềnh giữa phố đông.
Ảnh: Internet |
Mưa xuân ấm áp trôi trôi. Đất trời dịu ngọt, mơ màng. Sau đám mưa bay bay, hàng nghìn đôi mắt lá xanh lại đã lấp lánh, tinh nghịch. Tất bật, mẹ vào bếp vãi thêm trấu, cho thêm củi chuẩn bị bữa cơm chiều. Nay đã là 30 Tết, bố đã đi “mời” tiên tổ về nhà. Phải mổ gà, đồ xôi, nấu thêm bát canh, xào ít rau củ. Cũng phải ngâm thêm ít hạt nếp để tối nấu chè, làm bánh trôi… cúng giao thừa. À, còn nồi bánh chưng, chắc trông thêm khoảng 20 phút nữa là được, ván ép thì đã sẵn kia, tý nữa về bố có nhiệm vụ vớt bánh. Mẹ lẩm nhẩm nốt công việc ngày cuối năm. Thỉnh thoảng không yên mẹ ngóng vọng ra ngõ, trông về phía đầu làng. Sao đến giờ này anh con trai cả của mẹ vẫn chưa về nhỉ? Đã điện về báo trước từ nửa tháng nay là đơn vị cho nghỉ phép mấy ngày Tết rồi. Hai tiếng trước mẹ cũng vừa gọi thêm lần nữa, chắc là do tàu xe ngày Tết đông quá (?).
Đầu tối, đèn đường sáng bừng mọi con ngõ, trong nhà bố xin mâm cơm cúng tổ tiên trịnh trọng bầy ra giữa chiếu. Bà nội cười rổn rang mang theo câu chuyện của một ngày vào phố chơi Tết. Trên ti vi, hình ảnh cả nước đón Tết đang được cập nhật liên tục. Những sắc màu tươi vui, lộng lẫy, những phiên chợ đông nghịt người mua bán, những chợ hoa khoe sắc hương… Tiếng xe máy to dần rồi dừng lại trước cửa nhà. Mẹ sững người rồi vỡ òa. Con trai của mẹ mang theo “mùi vị từ biển” đã trở về, rộng dài, vững chãi. Cả nhà ôm anh vào lòng yêu thương, nâng niu. Bữa cơm ngày cuối năm kịp bắt đầu.
Rồi khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, đêm trừ tịch của năm đã đến. “Tống cựu nghênh tân”, lòng người hân hoan, xúc động. Những nhọc nhằn, âu lo, nỗi buồn, toan tính… dường như cũng đã được thu xếp “cất” vào lại đâu đó. Chỉ còn lại mùa xuân, chỉ còn lại những ước vọng về tương lai, về sự sinh sôi về những điều thiện căn tốt đẹp được giữ lại. Để thời khắc chuyển giao này thêm thiêng liêng, ý nghĩa. Để mỗi người thêm trân trọng và chờ đợi những ngày xuân tới./.
Nguyễn Hoa Xuân