Tháng giêng, khắp đất trời bừng lên sắc xuân tươi thắm. Trong làn mưa bụi mỏng manh như sương khói, nghe đâu đây tiếng mầm cây bật khỏi lớp vỏ thô sần, tí tách đâm chồi nảy lộc. Trên những vòm lá non tơ vừa nhú, tiếng chim ríu rít hoan ca làm lòng người thêm náo nức. Chen vai thích cánh trong dòng người đông đúc trảy hội mùa xuân, lòng lại bâng khuâng nhớ về hội làng xưa.
Ngày ấy, suốt ba tháng mùa xuân, khắp làng trên xóm dưới, tiếng trống hội làng nối tiếp nhau thì thùng không dứt. Nay xóm Đông, mai xóm Đoài, tiếp đến là làng Thượng, làng Trung, làng Hạ. Mỗi hội làng đều có nét đẹp riêng và những trò chơi dân gian đặc sắc. Đình làng tôi thờ các vị tổ lập làng và vị thần có công dạy dân trồng ngũ cốc nên các trò vui trong hội làng đều mang đậm sắc màu cuộc sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Trước ngày diễn ra hội làng, các cụ cao tuổi đã tề tựu đông đủ tại ngôi đình cổ kính, phân công cắt đặt mọi việc cho từng người. Thanh niên trai tráng làm nhiệm vụ khiêng kiệu, rước nước từ sông về, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Việc mổ gà lễ thánh được giao cho cánh đàn ông, đảm bảo những con gà sau khi luộc xong phải đạt tiêu chuẩn đầu ngẩng cao, hai cánh xòe như đang vẫy, da không bị nứt và có màu vàng óng. Các bà, các chị đảm đang, khéo léo tíu tít ngâm gạo, đãi gạo đồ xôi. Những hạt nếp cái hoa vàng tròn căng, trắng muốt ngậm no nước giếng làng trong vắt làm ra thứ xôi dẻo thơm đặc biệt. Bọn trẻ cũng xăng xái giúp bà, giúp mẹ hái những chiếc lá mít bánh tẻ, rửa sạch, cắt thành những chiếc đĩa đựng oản xinh xắn. Tất cả các sản vật dâng lên thành hoàng làng dù đơn sơ, mộc mạc nhưng lại mang ý nghĩa thiêng liêng bởi đó đều là những sản phẩm ngon nhất, tốt nhất do người dân quê tôi vất vả một nắng hai sương trên đồng ruộng tự tay làm nên. Cả năm bận rộn việc đồng áng, hội làng là dịp mọi người tạm gác lại những lo toan, hòa mình vào những trò chơi mang tính gắn kết cộng đồng nên ai cũng háo hức tham gia. Vui nhất và hồi hộp, mong đợi nhất có lẽ là lũ trẻ. Từ đêm hôm trước, chúng tôi đã xúng xính quần áo mới, theo bà và mẹ ra sân đình xem hát chèo. Các nam thanh nữ tú trong làng ngày thường áo nâu giản dị, chân lấm tay bùn, nay áo the khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba đủ màu sặc sỡ. Năm nào cũng vậy, vẫn là những trích đoạn chèo cổ mà người dân quê tôi đã nhớ, đã thuộc nằm lòng như: “Thị Màu lên chùa”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, vậy mà mỗi lần xem lại vẫn dạt dào cảm xúc. Ngày chính hội, hết lăng xăng xem các trò leo cầu ngô, thi bắt vịt dưới ao, bắt chạch trong chum, chúng tôi lại chạy ra con sông trước cửa đình hò hét cổ vũ cho mấy đội bơi chải. Tiếng cười nói, tiếng thanh la phèng phèng và tiếng chèo khuấy nước rộn cả lòng sông. Mấy bé gái xúm xít bên những cô hàng xén, vòi vĩnh mẹ mua cho bằng được đôi hoa tai hay cái vòng đeo cổ hạt nhựa. Khi đã thấm mệt vì chơi hội, chúng tôi sà vào những hàng quán bên đường, ăn cái bánh đa, vài chiếc kẹo bột và uống bát nước chè tươi sóng sánh. Tan hội, cùng với những chiếc oản được phát lộc, trên tay bọn trẻ, đứa thì con tò he sặc sỡ, đứa thì con gà đất gắn kèn thổi toe toe suốt chặng đường về nhà.
Mỗi năm một lần, hội làng mở ra giữa sắc xuân tràn ngập đất trời. Dù hội làng ngày nay đã ngày càng thưa vắng những trò chơi dân gian độc đáo, nhưng về với hội làng đối với tôi luôn là niềm thôi thúc, để được sống trong tình cảm xóm làng đầm ấm, để thấy lòng thanh thản hơn trước những lo toan, tất bật của cuộc sống đời thường./.
Lam Hồng