Trong những ngày giáp Tết, CLB múa lân sư xã Hải Hưng (Hải Hậu) lại tập hợp các thành viên, tất bật tập luyện, chuẩn bị biểu diễn dịp mừng thọ đầu xuân mới và các lễ hội ở địa phương. Được biết, nghệ thuật múa lân sư ở Hải Hưng đã có truyền thống gần 100 năm. Sau thời gian dài mai một, năm 2000, ông Phạm Đức Triều, xóm 19 đã vận động một số người dân địa phương thành lập CLB múa lân sư. Đến nay, CLB múa lân sư của xã gồm 22 thành viên; trong đó cụ Nguyễn Hữu Khương (84 tuổi) vẫn thoăn thoắt tay trống, ông Đỗ Trường Giang với trên 20 năm múa đầu lân sư vẫn giữ được sự nhanh nhẹn khi di chuyển… Hiện nay, ngoài phục vụ các dịp lễ hội, các chương trình kỷ niệm ngày lễ lớn trên địa bàn xã, CLB còn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều xã, thị trấn trong huyện.
CLB múa lân sư xã Hải Hưng luyện tập chuẩn bị biểu diễn đầu Xuân. |
Đồng chí Đinh Văn Nam, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Hải Hậu cho biết, để khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các xã, thị trấn ở Hải Hậu lại sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT chuẩn bị cho Ngày hội văn hoá - thể thao truyền thống của huyện. Ngày hội đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương, trong đó, hàng ngàn diễn viên, vận động viên quần chúng của 35 xã, thị trấn và cơ quan tham gia tranh tài ở các môn thể thao, các loại hình văn nghệ truyền thống, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đi kheo, múa sư tử, trống cà rùng, kèn đồng… Những môn nghệ thuật dân gian được tái hiện trong ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống của huyện đã thể hiện sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân Hải Hậu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống để sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm VH-TT huyện đã cử cán bộ xuống các địa phương thành lập tổ, đội văn nghệ dân gian, hướng dẫn những kiến thức cơ bản về nhạc lý, cách thể hiện, biểu diễn… Yếu tố quan trọng trong công tác khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Hải Hậu là người dân đã ý thức được vai trò trung tâm của mình trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Mặc dù hầu hết các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian quần chúng hoạt động theo phương thức xã hội hóa, do các thành viên tự đóng góp kinh phí, nhưng được quan tâm hướng dẫn chuyên môn, tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn hóa - văn nghệ quần chúng, đã tạo động lực để các CLB duy trì và hoạt động hiệu quả. Mặt khác với hệ thống 538/546 NVH thôn, xóm đã được xây dựng đồng bộ, đã tạo thuận lợi cho các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian có địa điểm tập luyện. Đến nay, hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện đều thành lập được các tốp, đội CLB các loại hình nghệ thuật truyền thống hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu là các đội chèo mạnh ở các xã Hải Châu, Hải Quang, Hải Tây, Hải Minh, Hải Trung; ca múa nhạc tổng hợp ở Thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Thanh, Hải Lộc, các đội trống cà rùng, đội kèn đồng ở Hải Phương, đội cà kheo các xã Hải Triều, Hải Lý… Đội văn nghệ quần chúng Thị trấn Cồn gồm 16 nhạc công và 12 diễn viên vừa thể hiện các bài hát mới, vừa có thể dàn dựng các trích đoạn chèo. Nhiều loại nhạc cụ như: đàn Oóc-gan, ghi ta, trống điện, thập lục, đàn bầu, sáo nhị… đều do các thành viên tự mua sắm. Nhiều người có đóng góp cho phong trào văn nghệ thị trấn như: anh Thanh Hiệu, tổ dân phố 1; chị Bích Liên, tổ dân phố 4B; chị Thanh Thảo, tổ dân phố Nguyễn Chẩm A. Ở Hải Châu ông Đinh Thạch Biên đã vượt qua mọi khó khăn để duy trì đội chèo của xã hoạt động hiệu quả. Trong 30 năm làm đội trưởng đội chèo, để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền, ông đã tự sáng tác còn gần 30 vở chèo ngắn, hoạt cảnh với nhiều đề tài sâu sắc về quê hương, xây dựng NTM, nếp sống văn hóa. Với số lượng đông đảo từ 50-70 thành viên, từ nhiều năm qua các hội trống cà rùng ở Thị trấn Yên Định và xã Hải Phương đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, các sự kiện chính trị của các địa phương. Đội kheo của các xã Hải Triều, Hải Lý và Hải Đông mỗi đội có 25-30 người với nhiều tích trò và trình độ điêu luyện đã tích cực tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội trên địa bàn huyện.
Để tiếp tục khôi phục, phát huy hiệu quả các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, thời gian tới, các địa phương trong huyện cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị cho các tổ, đội, CLB nghệ thuật dân gian. Phòng VH-TT-TT huyện cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thành viên các tổ, đội, CLB nghệ thuật dân gian thuộc các loại hình. Phòng GD và ĐT cần nhân rộng việc đưa mô hình các môn nghệ thuật truyền thống của địa phương gắn với các giờ sinh hoạt ngoại khóa vào các trường học. Các địa phương cần động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian hăng say giữ nghề, truyền nghề cho các thế hệ trẻ tiếp nối duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống ở địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư