Đặc sắc tục chọn gà cúng Thành Hoàng làng đêm Giao thừa ở thôn Tiên Hương

08:02, 26/02/2015
Rước rồng lên đền Thượng trong Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Ngọc Quang
Rước rồng lên đền Thượng trong Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Ngọc Quang

Thôn Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản) là vùng đất cổ. Đây là nơi tụ hội nhiều kiến trúc di tích tiêu biểu gồm đình, chùa, đền, phủ, lăng, trong đó có quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc về tín ngưỡng dân gian, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội được tổ chức vào mỗi độ xuân về. Trong đó có tục chọn gà luộc cúng Thành Hoàng làng được tổ chức vào thời khắc giao thừa tại đền Thượng trên đỉnh núi An Thái.

Tương truyền, tục chọn gà luộc cúng Thành Hoàng làng tại thôn Tiên Hương có từ thế kỷ thứ VI gắn với việc thờ tướng quân Đinh Lôi. Truyền thuyết kể rằng, tướng Đinh Lôi nhận lệnh Vua Lý Nam Đế đem quân đánh giặc Chiêm Thành. Khi đoàn quân thắng trận trở về đến đất Tiên Hương thì đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên ông cho đóng quân trên đỉnh núi An Thái. Dân làng Tiên Hương vui mừng phấn khởi tổ chức dâng lễ vật chào mừng đạo quân thắng trận. Trong các lễ vật dâng tướng, khao quân, không thể thiếu gà luộc, sản vật của cư dân nông nghiệp. Sau khi mất, tướng quân Đinh Lôi được dân làng Tiên Hương suy tôn làm Thành Hoàng làng. Trong hương ước cổ làng Tiên Hương quy định, đúng thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán hằng năm, dân làng tổ chức tục chọn gà luộc làm lễ vật cúng Thành Hoàng làng để kính cáo với thần những thành quả lao động trong năm và cầu mong thần phù hộ cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cường, nước thịnh. Ông Trần Văn Toán là cháu đời thứ 3 của cụ Tiên chỉ làng Tiên Hương kể lại: Tục xưa, cứ vào dịp cuối năm, cả 4 giáp trong thôn Tiên Hương tổ chức bình chọn ra 4 vị cao niên văn, võ song toàn để cùng với vị Tiên chỉ trong làng làm ban chủ khảo hội thi chọn gà và hành lễ tế thần. Vào tối ba mươi Tết, tất cả các họ trong giáp và dân làng sẽ dâng các mâm bày gà luộc làm lễ vật lên đền. Ban chủ khảo sẽ tiến hành bình chọn từ hàng trăm mâm lễ để chọn ra một mâm gà luộc đẹp nhất theo tiêu chuẩn "đầu công, mình cuốc, chân vàng" dâng vào hậu cung tế thần. Người thắng “cỗ nhất” trong cuộc thi chọn gà không chỉ đem lại vinh quang cho cả giáp mà còn được làng cho hưởng một phần ruộng để canh tác trong năm và được thắp hương hầu thần vào các ngày rằm, mồng một và dịp lễ hội của làng.

Các hộ dân thôn Tiên Hương chọn gà cúng Thành Hoàng làng đêm Giao thừa. Ảnh: Văn Trọng
Các hộ dân thôn Tiên Hương chọn gà cúng Thành Hoàng làng đêm Giao thừa. Ảnh: Văn Trọng

Theo thời gian, hiện nay tục chọn gà cúng Thành Hoàng làng đêm giao thừa ở thôn Tiên Hương đã có phần mai một, nhưng tục chọn gà cúng thần vẫn được các hộ dân trong thôn duy trì theo quy trình rất kỹ càng. Bà Trần Thị Vinh, ở xóm 2 núi Tiên Hương cho biết: Từ tháng 5 âm lịch, các hộ dân trong xóm đã chọn gà giống nuôi để cúng Thành Hoàng làng. Gà được chọn nuôi phải là gà trống và giống gà ri được chăn thả theo quy trình nghiêm ngặt, luôn giữ mức tăng trọng phù hợp, gà không được béo quá hoặc gầy quá để đến Tết có trọng lượng khoảng 1,5 đến 2kg, mào gà phải đỏ tươi, nhú cao đều, lông có màu đỏ mật, chân vàng tươi, đuôi dài. Sau ngày 23 tháng Chạp, gà được nuôi nhốt để đảm bảo sạch sẽ, tinh khiết. Tối ba mươi Tết, sau bữa cơm tất niên, các gia đình trong thôn tiến hành mổ gà làm lễ cúng thần. Công đoạn làm gà cúng thần cũng được tiến hành cẩn thận theo cách thức đã được dân làng truyền dạy qua nhiều thế hệ. Việc cắt tiết phải chọn được tia chính để cắt hết tiết, khi luộc chín, thịt gà không bị đen. Nước làm lông gà không được nóng quá, thường ở nhiệt độ khoảng 85 đến 90 độ C để tránh làm hỏng da gà. Gà được mổ moi, đóng giá tạo dáng theo hình nhạn bay, hai cánh gà mở ra, đầu nhìn thẳng, chân hơi quỳ, sau đó đưa vào nồi, đổ ngập nước luộc bằng củi. Khi đun, giữ lửa cháy lom rom để nước sôi lăn tăn. Gà luộc xong được bày lên mâm cùng với đĩa xôi gấc đỏ tươi, quả cau, lá trầu, nắm hoa tươi và hương, nến chờ đến thời khắc Giao thừa đưa lên đền lễ thần. Đến thời khắc cúng Thành Hoàng làng, các gia đình trong thôn tiến hành lên núi dâng lễ. Tại sân đền, đèn đuốc sáng rực không gian, những mâm gà luộc màu vàng ruộm dâng thần cùng sự thành kính thể hiện rõ sắc thái văn hóa và đạo lý hướng về cội nguồn. Chuông, trống vang lên, thủ nhang ra khấn lễ, kế đó dân chúng lễ theo với niềm tin tâm linh cầu xin Thành Hoàng làng phù hộ độ trì cho dân làng một năm sản xuất bội thu. Cúng xong các gia đình lần lượt đi tham quan các mâm gà luộc, trầm trồ khen ngợi những mâm lễ đẹp; hồ hởi chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong thời khắc giao hòa của đất trời, rồi xin lễ thánh để về xông nhà, cúng gia tiên.

Tục cúng gà tại thôn Tiên Hương trong ngày Tết không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần tuý mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng với tục cúng gà tại thôn Tiên Hương, hiện nay trên địa bàn huyện Vụ Bản có gần 200 di tích gắn với các lễ hội, tập tục dân gian truyền thống được tổ chức. Vào dịp mùa xuân và mùa thu, khắp làng trên xóm dưới, các hội làng diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang sắc thái riêng của vùng đất "Thiên Bản lục kỳ" xưa như: thi nấu cơm, thi làm cỗ, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, chơi tam cúc điếm, thi dệt vải trên mặt hồ…, tạo không khí vui tươi, sôi động ở các làng quê. Để bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của quê hương, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vụ Bản luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội. Nhiều lễ hội dân gian, trò chơi truyền thống trong các lễ hội được phục hồi như: thi hát Chầu văn, múa rồng, thi sáo diều, thi chọi gà, thi thả thơ…, đã góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và làm giàu thêm bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam trong mỗi độ xuân về./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com