Các linh vật thuần Việt thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, biểu hiện cho ước mơ, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp của nhân dân. Hiện nay, ở Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh vẫn lưu giữ được nhiều linh vật nghê thuần Việt.
Một số linh vật nghê thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII tại Bảo tàng tỉnh. |
Bảo tàng tỉnh hiện đang có bộ 31 hiện vật là linh vật nghê, phần lớn có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII- XVIII), được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: gỗ, gốm, đồng, đá. Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt. Nghê xuất hiện từ khá sớm, đi suốt chiều dài lịch sử và có mặt từ chốn dân gian đến cung đình, trong đó, hai không gian mà nghê xuất hiện nhiều là đình và chùa. Nghê là con vật mang tính hư cấu và chính sự hư cấu này tạo nên bản sắc Việt của con nghê. Qua các giai đoạn lịch sử dân tộc, việc tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi nên nghê có nhiều dạng thức khác nhau như: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê. Sư tử nghê gắn bó mật thiết với Phật giáo (thường cõng tòa sen), xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý - Trần. Long nghê được tạo hình theo kiểu: đầu rồng, miệng lớn, râu dài, bắp chân có chớp lửa, dạng thức này phổ biến ở thời Lê Trung Hưng. Kỳ lân nghê thời Lê Trung Hưng thường đứng chầu bên hương án, cửa khám với một số đặc điểm tạo hình như: mình vẩy, lưng có sừng… Ở thời Nguyễn, kỳ lân nghê đầu không có sừng, xuất hiện nhiều ở những nơi tôn nghiêm. Khuyển nghê mang đặc tính loài chó nhiều nhất, mình không có vảy, đầu không có sừng, dáng hình mập, thường đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc. Qua bộ sưu tập nghê ở Bảo tàng tỉnh cho thấy, với kỹ thuật chạm khắc tinh tế, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra nhiều hình tượng nghê phong phú từ chất liệu đến hình dáng, tư thế. Những hình nghê được tạo tác bằng chất liệu gốm tinh tế, gần gũi với đời sống con người và được gắn với đồ thờ như bát hương, chân đèn… Hiện ở Bảo tàng tỉnh có đôi chân đèn gốm thế kỷ 17 đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, mỗi chân đèn có sự hiện diện của 21 con nghê lớn nhỏ; nghê được trang trí đăng đối trên thân đèn, dáng điệu linh vật này thành những họa tiết trang trí biến đổi khéo léo. Ở Bảo tàng tỉnh còn có một số tượng nghê bằng gỗ có tạo hình rất độc đáo như: Tượng một đôi nghê gỗ phủ sơn, cao 87cm có chạm khắc hoa văn trang trí mây lửa ở thân, chân, đầu, sống lưng. Đôi tượng nghê ở đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) được phủ sơn, cao 55cm có kết cấu khối hộp đứng, chạm thủng với các hoa văn mây lửa cuốn hút người xem bởi sự hoa mỹ…
Ở các công trình kiến trúc cổ, vào thế kỷ XVII-VIII, hình tượng nghê được chạm khắc cách điệu như một đấu đỡ trụ với tư thế khỏe khoắn. Nhiều công trình được chạm khắc nghê ở mê cốn với mây hỏa tạo nên bức tranh sinh động, có hình nghê được chạm một thân nhưng có 2 mặt hoặc hai nửa đầu nghê ghép lại thành một đầu trụ. Nhờ cách bài trí đó, các thành phần kiến trúc, cấu kiện gỗ trong các di tích trở nên khỏe khoắn. Nghê có mặt ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài công năng trang trí, nghê còn mang ý nghĩa cầu mong sự sum vầy, hạnh phúc, no đủ, sinh sôi phát triển - ước vọng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Ở nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện còn bảo lưu được các linh vật nghê thuần Việt như: Chùa Lương - Cầu Ngói, xã Hải Anh (Hải Hậu) được xây dựng vào đời Vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Đáng chú ý là ở Cầu Ngói có hình tượng cuốn thư trên hàng trụ cầu đề 4 chữ "Quần Phương xã kiều" (cầu xã Quần Phương), mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu. Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có bốn con nghê gỗ thời Hậu Lê, cao 0,32m; dày 0,13m ở tư thế ngồi, thời xưa dùng để kê chân kiệu. Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có đôi nghê chầu được tạo hình tinh xảo bằng đá. Đền Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên) có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được trang trí nghê chầu…
Hiểu về giá trị các linh vật thuần Việt để mỗi tổ chức, cá nhân góp phần gìn giữ, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hình tượng linh vật thuần Việt xứng đáng là một trong những biểu tượng văn hóa của di sản tạo hình cổ truyền, thể hiện năng lực sáng tạo liên tục của các thế hệ cha ông ta qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước./.
Bài và ảnh: Viết Dư