Trực Tuấn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

07:01, 17/01/2015

Xã Trực Tuấn (Trực Ninh) là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Những năm qua, cán bộ và nhân dân trong xã luôn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng cho việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Theo các tài liệu cổ, xã Trực Tuấn là “đất học” với nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến như các ông: Trần Kim Lan đỗ cử nhân năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), được bổ nhiệm làm quan quản 42 đồn điền; Ninh Hữu Thành đỗ cử nhân năm Kỷ Mão (1819), được bổ nhiệm làm tri phủ và huấn học; Trần Nghi Côn được Vua Cảnh Hưng năm thứ 2 (1741) cấp bằng võ quan, canh giữ cửa bể Lác Môn… Đến nay, truyền thống hiếu học ở địa phương vẫn được phát huy. Tiêu biểu như dòng họ Trần Đông Phụ Cao, thôn Nam Lạng hằng năm có nhiều con em thi đỗ các trường cao đẳng, đại học; quỹ khuyến học dòng họ lên tới hàng trăm triệu đồng. Trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: Đền - chùa Nam Lạng, thôn Nam Lạng và từ đường họ Ninh, thôn Văn Lãng. Đền - chùa Nam Lạng gắn liền với phong trào cách mạng của huyện trong những năm đầu của thế kỷ XX và sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Hiện, kiến trúc đền được bảo lưu gần như nguyên vẹn: Đền có kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường 5 gian, chính tẩm 3 gian. Hệ thống 4 cột đá, ở phía tường sau, được chạm trổ công phu, phía trên chạm nổi hình rùa, ly đang tư thế chạy, chính giữa chạm rồng bay, phương múa, nét chạm tinh xảo, uyển chuyển. Trên thành máng đá chạm rồng chầu mặt nguyệt. Chùa nằm ở giữa đền và phủ cùng quay về hướng Đông Nam. Kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh với 5 gian bái đường và 4 gian chính cung bố trí theo chiều dọc. Khu văn chỉ nằm ở phía trước chùa và phủ, kiến trúc hoàn toàn bằng đá xanh. Lối vào văn chỉ là 2 cổng nhà, phía bên có 2 cột đồng trụ. Bên tả và bên hữu có bia đá làm năm Canh Ngọ, đời Vua Tự Đức thứ 23 (1870), ghi lại quá trình thiết lập văn đàn của địa phương, xung quanh văn chỉ có tường gạch bao bọc.

Di tích lịch sử - văn hóa đền Nam Lạng, thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn.
Di tích lịch sử - văn hóa đền Nam Lạng, thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn.

Trên nền tảng của văn hóa truyền thống, hiện nay phong trào văn hóa, văn nghệ của xã phát triển mạnh. Năm 2011, ông Mai Minh Xương (65 tuổi), xóm Hòa Bình, thôn Nam Lạng đã vận động một số hội viên Hội Người cao tuổi xã thành lập CLB đàn hát dân ca với 15 thành viên, sinh hoạt vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hằng tháng tại hội trường UBND xã. CLB có nhiều người biết sử dụng được nhạc cụ truyền thống như các ông: Vũ Xuân Mai, Hoàng Minh Đức; một số giọng hát hay như bà: Nguyễn Nga, Trần Yên, Hoàng Hằng… Họ là những nhân tố tiêu biểu cho CLB văn nghệ. Trong hội làng ở xã Trực Tuấn hằng năm không thể thiếu vắng chiếu chèo do các thành viên của CLB thể hiện. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xã hiện có 11/15 thôn, xóm được công nhận “Làng văn hóa”; 3 trường học và trạm y tế xã được công nhận “Đơn vị có nếp sống văn hóa”. Hằng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa ở xã đều đạt trên 80%. 11/15 thôn, xóm có NVH, trong đó có 3 NVH được xây mới gồm: thôn Nam Cường, xóm 15 Thượng Đồng, thôn Quần Lương; kinh phí xây dựng phần lớn bằng sự huy động, đóng góp của nhân dân. Các thôn, xóm trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước để nhân dân thực hiện, góp phần gìn giữ thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của quê hương, duy trì an ninh trật tự, tăng cường tính tự quản trong cộng đồng dân cư. Tiêu biểu trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là các thôn: Quần Lương, Tây Lạc, Việt Tiến, Nam Lạng. Thôn Quần Lương hiện có trên 130 hộ với hơn 500 khẩu. Nhiều năm liền, thôn không có người nghiện ma tuý và các tệ nạn xã hội; 95% số hộ gia đình trong thôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Đạt được kết quả trên, Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá của thôn thường xuyên phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Đoàn Thanh niên… tích cực phổ biến quy ước xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hóa. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn Quần Lương ngày càng đi vào chiều sâu. Hiện nay, số hộ khá, giàu của thôn chiếm trên 50%; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, an ninh trật tự được giữ vững, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Cán bộ và nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá gắn với các mục tiêu giảm nghèo, thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình; gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kinh tế trong thôn phát triển, 100% đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá; phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển.

Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là định hướng đúng, tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân xã Trực Tuấn tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com