Triển lãm của họa sĩ Trần Trung Kỳ

09:01, 09/01/2015

Triển lãm mỹ thuật cá nhân của hoạ sĩ Trần Trung Kỳ mới kết thúc cách đây ít ngày tại Bảo tàng Nam Định. Triển lãm trưng bày 45 tác phẩm nghệ thuật được sáng tác qua các thời kỳ của họa sĩ. Đã lâu lắm rồi, những người yêu mến hội họa Thành Nam mới lại có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm, vừa mực thước mà vẫn vô cùng phóng khoáng của một tâm hồn giản dị hết lòng vì nghệ thuật. Và “không khí” hội họa cho những người cầm cọ lại được khơi nguồn từ đó…

Triển lãm được tổ chức sau khi họa sĩ giã biệt gia đình, bạn bè, cây cọ… đi vào cõi thiên thu theo tiên tổ gần nửa tháng. Nhưng dẫu thế, tôi vẫn không cảm thấy có quá nhiều khoảng cách về sự xa cách thế hệ khi xem những tác phẩm hội họa của ông. Bằng một thứ ngôn ngữ kỳ diệu, tinh tế, hội họa vẫn kịp dẫn đường cho tuổi hậu bối như tôi có thể gặp được ông, cảm nhận những tác phẩm của ông. Một buổi sáng mùa đông yên ả, anh Trần Trung Hưng, con trai của họa sĩ kể cho tôi nghe về những ngày thơ ấu bên bố, cách ông “rèn” anh học vẽ: “Bố tôi có lẽ cũng muốn chúng tôi theo nghiệp, vì vậy ông rất nghiêm cẩn việc truyền nghề. Vẽ đối với ông, không chỉ là sở thích nhất thời mà là đam mê, là cái nghiệp. Bố tôi còn quan niệm, tác phẩm là con người, thể hiện cốt cách, cá tính, phong cách riêng để không bị nhầm lẫn. Vì vậy, khi vẽ, ông nghiêm khắc với bản thân một cách tuyệt đối. Ông cũng mong con cái, các thế hệ học trò chỉn chu với nghề như vậy”.

Khai mạc triển lãm Hội họa Trần Trung Kỳ tại Bảo tàng Nam Định. Ảnh: Cơ sở cung cấp
Khai mạc triển lãm Hội họa Trần Trung Kỳ tại Bảo tàng Nam Định.
Ảnh: Cơ sở cung cấp

Sinh năm 1939, ông đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1975, bên cạnh đam mê sáng tạo tác phẩm, họa sĩ Trần Trung Kỳ còn dành thời gian dạy vẽ cho các thế hệ học trò ở Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định). Là một người đam mê nghiệp vẽ, họa sĩ Trần Trung Kỳ cầm cọ từ rất sớm. Quá trình sáng tác của ông (theo người viết) có thể tạm chia thành hai thời kỳ, những năm chiến tranh và thời điểm được sống trong hòa bình. Như bất kỳ một người lính nào trên mặt trận của mình, thời bom rơi đạn lạc, ông chọn những nhân vật du kích, anh bộ đội làm trung tâm cho những câu chuyện muốn thể hiện. Cây cọ, vì vậy cũng phác thảo những nét đơn giản về chính cuộc sống, con người thời chiến. Những năm đất nước thái bình, yêu mến cảnh vật, con người Thành Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, ông thường xuyên vẽ phố phường nhộn nhịp, xen lẫn cảnh thôn quê bình dị. Đôi khi lại chỉ là một búp hoa chuối đỏ chấm phá giữa màu xanh thiên nhiên hay chớp lấy khoảnh khắc con mèo nô đùa giữa sân… Khi phát hiện căn bệnh ung thư quái ác, sức lực suy tàn song khỏe lúc nào, ông lại gượng dậy để vẽ. Thời điểm này, những ảnh hưởng của sức khỏe cũng tác động ít nhiều đến suy tư, tay cầm cọ của ông. Người họa sĩ già trăn trở về lẽ nhân sinh ở đời, kiếp luân hồi, đời sống ngắn ngủi... Quan sát cây bàng, ông vẽ chiếc lá chuyển dịch từ màu xanh sang vàng rồi đỏ thẫm. Thời gian đổ bệnh nặng, cũng là lúc ông cảm thấy nhớ người bạn đời tha thiết nhất. Người vợ đã bao năm gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ đã ra đi trước ông mấy tháng. Ông đã vẽ về vợ với tất cả tình yêu, ký ức, nỗi niềm mong nhớ thiết tha… Cho đến khi không thể gượng dậy được nữa, ông vẫn kịp hoàn thành 4 bức họa cuối cùng chỉ trong một tháng trời.

Không đợi được một triển lãm cho riêng mình, nhưng có lẽ người họa sĩ già suốt đời gắn bó với cây cọ, giá vẽ cũng không phải quá buồn. Ngày khai mạc triển lãm đông người đến dự. Gia đình, bạn bè, người thân, học trò… có mặt đủ đầy. Người ta chăm chú xem rồi như tìm thấy một cái gì rất gần gũi, rất Việt Nam dù đó là lụa hay sơn dầu, bột màu… Đó cũng chính là hồn cốt của người nghệ sĩ. Các tác phẩm của ông dù là được vẽ với bút pháp nào, trừu tượng hay hiện thực, vẫn hướng cho người xem tới cái đẹp thị giác và mang lại cho họ cảm giác gần gũi. Họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân, một người bạn rất thân của Trần Trung Kỳ nhận định: Bên cạnh sự chỉn chu, gọn gàng, sáng tỏ trong các bố cục, tranh của ông cũng có những biến động day dứt và những đột phá tự mình trong thế giới nghệ thuật. Bút pháp của ông thay đổi theo từng giai đoạn thể hiện được tâm tư, tình cảm, suy tư của tác giả.

Trên ba chất liệu chính, sơn dầu, bột màu, lụa những bức như: Nhà thờ Nam Định, Phố Cửa Đông, Phố Nam Định, Hoa chuối, Bán nhà, Mèo và cá, Lá bàng… làm ta say đắm. Giới nghề đánh giá rất cao những bức: Bà nội (1973, sơn dầu), Thợ cày (1980, khắc gỗ màu), Yếm thắm (1989, sơn dầu), Cua (1993), Đồng quê (1995), Đầu làng (1995, sơn dầu), Cõi tổ tiên (1996, sơn dầu), Tặng vật mùa thu (1978, khắc gỗ màu), Cảnh Trường Yên (1984, lụa), Cô gái Đông Hồ (1984, lụa)... Quan sát tác phẩm của Trần Trung Kỳ dễ nhận thấy, nguồn cảm hứng chính từ thái độ sâu sắc với cuộc đời đã giúp người họa sĩ nhìn trong những sự vật, hiện tượng bình thường để tạo thành tác phẩm. Điều đặc biệt đáng quý, dù sáng tác thời kỳ nào, chất liệu nào, ngôn ngữ biểu hiện ra sao, tác phẩm của ông đều toát lên một tình yêu quê hương, đất nước, con người rất đằm thắm và giản dị, thông qua những hình ảnh hội họa đặc sắc về những con phố cũ Thành Nam, chân dung mọi vẻ con người và phong cảnh nông thôn vùng Sơn Nam hạ… Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của anh Hưng, Thành Nam trong ký ức của họa sĩ hình như phải là một Thành Nam của những ngày xưa cũ, ít nhà cao tầng và không có biển quảng cáo, không nhiều xe cộ. Phố, do đó, đơn giản mà không xô bồ, phố cũng là… phố hồi ức.

Với tính cách cẩn thận, chỉn chu, cần mẫn của một nhà giáo, họa sĩ Trần Trung Kỳ chưa bao giờ buông cọ. Chính thế nên “gia tài” để lại của ông cũng khá đồ sộ. Ảnh hưởng của ông đến nhiều thế hệ học trò họa sĩ là không nhỏ. Theo nhiều người trong giới cầm cọ Thành Nam, hoạ sĩ Trần Trung Kỳ có thể được coi như “bậc đàn anh”. Nên không lạ gì trong quãng những năm 1978 đến năm 1984, bản thân họa sĩ đã ba lần được cử đi tham dự các triển lãm và trại sáng tác quốc tế tại Đức và Bun-ga-ri, như một nét đại diện của tâm hồn Việt Nam thuần khiết qua hội họa. Ông cũng có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến trong các năm 1985; 1996; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực II đồng bằng sông Hồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam; được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam… Thành công đó rất đáng tự hào. Tuy nhiên, người ta kính trọng ông, trước hết vì cái tài, nhưng nhớ lâu về ông, hơn hết vì cái tâm. Sinh viên Nguyễn Thị Mai, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định cho biết: "Em không được học bác Kỳ nhưng có duyên được gặp bác. Được bác chỉ bảo nhiều về tư tưởng, hướng sáng tác. Bác thường khuyên em, tuổi trẻ nên sống thật với mình khi vẽ, hãy vẽ tất cả những gì xung quanh mình mà mình thấy đẹp”...

Triển lãm tranh của họa sĩ Trần Trung Kỳ là tập hợp những tác phẩm hay nhất trong đời cầm cọ của ông, chắt chiu, gom góp một đời của người họa sĩ. Có thể dễ dàng nhìn thấy ở số lượng các bức vẽ nhưng có những thứ còn có thể chưa nhìn thấy ngay, hoặc phải nhìn rất lâu, rất kỹ, ấy là sự bình dị, tâm hồn yêu cái đẹp để từ đó sáng tạo ra những giá trị đẹp khác./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com