Những năm gần đây, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng; trong đó nhiều tốp, đội văn nghệ có hình thức hoạt động sáng tạo, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Hiện nay, ở cả 32 xã, thị trấn của huyện Ý Yên đều duy trì hoạt động các tổ, đội văn nghệ. Tiêu biểu là CLB Chèo Ý Yên gồm 15 thành viên được thành lập năm 2004, gồm 5 nhạc công, các hội viên chủ yếu là nông dân. Ngay từ những ngày đầu thành lập, CLB tham dự hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh và đã đoạt Huy chương Vàng. Với các hoạt cảnh chèo tự biên như “Chuyện nhà nông”, “Nghĩa tình”, “Khắc mãi tên anh” được biểu diễn phục vụ khán giả các xã, thị trấn, CLB đã góp phần tích cực tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ở huyện Nghĩa Hưng, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở các địa phương như: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Thành, Thị trấn Rạng Đông… CLB đàn hát dân ca Thị trấn Rạng Đông thành lập năm 2007, với nhiều nhạc công như các ông: Lại Xuân Viễn chơi đàn nguyệt, Nguyễn Hữu Lương chơi trống. CLB có nhiều tiết mục chèo và chầu văn đặc sắc như “Khúc hát văn Nghĩa Hưng”, trích đoạn chèo “Hát mừng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” biểu diễn phục vụ nhân dân. Đội văn nghệ quần chúng thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh nổi tiếng với nghệ thuật cải lương. Các trích đoạn trong các vở diễn: "Tống Trân - Cúc Hoa", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài" được các thành viên trong đội thể hiện nhuần nhuyễn. Hằng năm, trong dịp hội làng tưởng nhớ công lao các vị tổ nghề, người có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đội văn nghệ Hải Lạng lại dàn dựng nhiều vở cải lương có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động giỏi như các vở: “Bà mẹ sông Hồng”, “Trở về” để biểu diễn phục vụ nhân dân.
Đội văn nghệ quần chúng Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ). |
Ở huyện Giao Thủy hiện có hàng chục tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo. Tiêu biểu như xã Giao Tân có đội văn nghệ của Hội Người cao tuổi gồm 15 người được thành lập năm 2010, thường xuyên đại diện cho xã tham dự các hội diễn văn nghệ của huyện. Tại xã Bình Hòa, các xóm 1, 2, 3, 4, 8, 10 đều thành lập các đội văn nghệ, mỗi đội có từ 10-20 thành viên. Đội chèo xóm 2 với thế mạnh dàn dựng các trích đoạn chèo cổ, lồng ghép các tiểu cảnh về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa thời kỳ mới trong chương trình biểu diễn được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ở xã Giao Châu, đội nhạc kèn nữ bát âm Sa Châu được thành lập năm 2012, gồm 18 thành viên. Hiện nay, tại mỗi dịp lễ ở đình - chùa Tiên Chưởng, thôn Sa Châu, đội đều tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân… Với họ đây là một sân chơi bổ ích, vừa để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân vừa gìn giữ, truyền bá âm nhạc truyền thống trên quê hương. Ở huyện Hải Hậu, ngoài thế mạnh về chèo, huyện còn có trên 100 đội kèn đồng, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Trước đây, các đội kèn chuyên phục vụ các nghi lễ tôn giáo, đến nay các đội kèn đã tập luyện và thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tiêu biểu như các đội kèn đồng mạnh thuộc các giáo xứ, họ đạo: Phạm Pháo (Hải Minh), Tây Các (Hải Đông), Hai Giáp (Hải Anh), Tứ Trùng (Hải Tân), Đông Cường (Thị trấn Yên Định).
Phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các địa phương và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, để các CLB văn nghệ quần chúng phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực tế hiện nay các địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều người có năng khiếu tham gia vào các tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, kinh phí duy trì hoạt động của các đội văn nghệ hầu hết đều do các thành viên tự đóng góp. Nhiều đội văn nghệ sau một thời gian thành lập đã không duy trì hoạt động thường xuyên do thiếu kinh phí hoạt động tập luyện, biểu diễn. Một số đội văn nghệ sau khi tập hợp được đủ số lượng diễn viên lại thiếu nhạc công, thiếu đạo cụ để tập luyện… Vì vậy, nhiều tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng hoạt động cầm chừng, theo “mùa vụ”, hoặc chỉ khi có hội thi, hội diễn các đội mới tập hợp thành viên… Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đội văn nghệ hoạt động. Ngoài ra, các tổ, đội CLB văn nghệ cần năng động, sáng tạo, tìm ra các phương thức hoạt động hiệu quả theo phương châm xã hội hóa để duy trì hoạt động. Có như vậy phong trào văn nghệ quần chúng mới phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Viết Dư