Xây dựng đời sống văn hóa ở Xuân Trường

07:10, 16/10/2014

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Xuân Trường được đẩy mạnh đã huy động sức mạnh nội lực của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, các hoạt động xây dựng con người và môi trường văn hoá ngày càng được chú trọng, phát triển mạnh mẽ, đi vào mọi mặt đời sống, góp phần tạo cho người dân có đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường cảnh quan sạch đẹp, có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tính đến tháng 9-2014, toàn huyện đã có 73% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 68% số xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu làng, xóm văn hoá; 92% số cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cơ quan có nếp sống văn hoá; 82% số trường học, trạm y tế đạt tiêu chuẩn có nếp sống văn hoá.

Làng quê xã Xuân Hồng.
Làng quê xã Xuân Hồng.

Về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, huyện quan tâm khuyến khích đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở các thôn, xóm. Đến nay, toàn huyện có 186 xóm, tổ dân phố có NVH đạt chuẩn NTM. Từ năm 2012 đến nay, thực hiện chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 05-QĐ/UB ngày 17-7-2012 của UBND huyện, toàn huyện đã xây mới 58 NVH đảm bảo quy hoạch, theo tiêu chí NTM đi vào hoạt động hiệu quả; đã xây dựng được 1 NVH cấp huyện, 3 NVH cấp xã; cả 20 xã, thị trấn đều có Bưu điện văn hóa là điểm giao dịch thông tin liên lạc, tham khảo các loại sách báo của nhân dân; cả 20 xã, thị trấn đều có tủ sách pháp luật, 100% các trường học từ tiểu học trở lên có thư viện học đường. Đối với 331 di tích được Nhà nước xếp hạng, UBND huyện đã tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương; kết hợp hài hoà việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, trong đó chú trọng việc giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Xuân Trường còn tồn tại một số hạn chế. Phong trào VH-TT phát triển chưa đều, chưa thành nếp trong đời sống nhân dân; việc đầu tư cho hoạt động VH-TT còn ở mức thấp, đặc biệt là cấp cơ sở, các hoạt động chưa được chú trọng, đầu tư phát triển, chưa khai thác được nhiều vốn văn hóa truyền thống. Ở không ít địa phương trên địa bàn huyện vẫn xuất hiện các hủ tục mê tín, tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, ma túy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa - thể thao còn thiếu, ngân sách đầu tư văn hóa thể thao ở cơ sở nhìn chung còn thấp so với yêu cầu. Hệ thống tổ chức ngành Văn hóa từ huyện đến cơ sở chưa được chú trọng, củng cố, còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc lãnh đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển VH-TT. Các thiết chế văn hóa ở làng, xóm đã quy hoạch được đất để xây dựng NVH, sân vận động, thư viện, các tụ điểm vui chơi giải trí…, song việc xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Xuân Trường đã xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp VH-TT đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu sau: 100% các xã, thị trấn có NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL; 100% thôn, xóm, tổ dân phố có NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL. 80% số làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH, TT và DL. 100% cán bộ văn hóa thông tin ở cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ. Để đạt được chỉ tiêu trên, huyện Xuân Trường đề ra 6 giải pháp: Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa theo tiêu chí NTM vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức tuyên truyền cổ động, phát triển mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng. Tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các xã, thị trấn đầu tư cơ sở vật chất, từng bước hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thành lập các trung tâm văn hóa các xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” coi đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các quy ước, hương ước về xây dựng nếp sống văn hóa. Tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt việc cưới, việc tang, quản lý lễ hội theo tiêu chí nếp sống văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bài trừ các tệ nạn xã hội. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa để thu hút các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí; đồng thời xây dựng, quản lý, sử dụng có hiệu quả “Quỹ phát triển văn hóa nông thôn”. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, thông tin, thể thao, viễn thông, du lịch, gia đình./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com