Xóm Phú Ninh là một trong những xóm đầu tiên của xã Trực Cường (Trực Ninh) được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Những năm qua, cán bộ và nhân dân xóm Phú Ninh đã tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá; trong đó phát huy nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử như: Tôn trọng người già, yêu quý trẻ thơ, quan tâm đến các gia đình chính sách, tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ...
Làng quê xã Trực Cường. |
Đồng chí Trần Đình Tiếu, Chủ tịch UBND xã Trực Cường cho biết: Xóm Phú Ninh là mô hình điểm của xã trong công tác xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) cơ sở. Là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng người dân nơi đây luôn coi trọng ĐSVH tinh thần, Đảng ủy xã Trực Cường đã có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng ĐSVH cơ sở; UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó xác định rõ chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Cùng với việc phát động đăng ký thi đua xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa đến từng xóm, UBND xã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên đài truyền thanh, pa nô, khẩu hiệu; lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các đoàn thể, các câu lạc bộ (CLB) ở địa phương. Đến nay, việc thực hiện các quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng tổ chức ăn uống linh đình trong các đám cưới, đám tang, mừng thọ và hiện tượng mê tín dị đoan đã giảm hẳn. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn xã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cả 14 xóm của xã đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa. Việc xây dựng cơ sở vật chất như: xây dựng hệ thống cấp nước sạch, xây dựng nhà văn hóa (NVH) xóm, xây dựng trường học, làm đường bê tông phục vụ đời sống, sinh hoạt đều có sự đóng góp của nhân dân. Những năm qua, nhân dân cùng nhau tự nguyện góp hàng tỷ đồng cùng ngày công lao động, hiến đất xây dựng, sửa chữa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các thiết chế văn hóa... Toàn xã đã bê tông hóa được 90% đường làng, ngõ xóm; 95% hộ dùng nước sạch trong sinh hoạt; 8/14 xóm có NVH, trong đó NVH xóm Hậu Đồng được xây mới theo tiêu chí NTM. Tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt trên 71%, trong đó nhiều xóm đạt tỷ lệ cao như: Hồng Phong đạt tỷ lệ trên 91%, Nam Hào đạt tỷ lệ 90%. Các thiết chế văn hóa dần được triển khai xây dựng và đi vào sử dụng đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập. CLB thơ người cao tuổi của xã có trên 40 hội viên, hằng tháng, tổ chức sinh hoạt một lần tại NVH xã. Qua các buổi sinh hoạt, các hội viên của CLB giới thiệu thơ mới sáng tác, những bài thơ, câu thơ hay mới sưu tầm; đọc báo để cập nhật thông tin trong nước và quốc tế. Ngoài CLB thơ, xã còn có CLB dưỡng sinh, CLB kiếm quyền… Đội văn nghệ xã có hơn 20 thành viên tham gia, nhiều năm liền tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện. Vừa qua tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, đội văn nghệ xã đã đạt giải A. Để phát triển phong trào, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Vào ngày lễ, tết, xã tổ chức các cuộc thi giao lưu văn nghệ, cầu lông, bóng đá, kéo co... Trên địa bàn xã có 17 ngôi miếu thờ thành hoàng, 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là đền - chùa Phúc Ninh. Hằng năm, xã đều tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, từ đó công tác xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương được nâng cao. Vừa qua, nhân dân và khách thập phương đã đóng góp khoảng 5 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích. Ngoài ra, công tác tổ chức các lễ hội trên địa bàn luôn thực hiện theo quy ước nếp sống văn minh trong lễ hội, đảm bảo các nghi lễ trang trọng, tiết kiệm, khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống trong phần hội.
Công tác xây dựng ĐSVH cơ sở ở xã Trực Cường huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết của nhân dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư