Mỹ Lộc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá thời Trần

08:10, 06/10/2014

Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc hiện có 13 di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc liên quan tới thời Trần. Trong đó, nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng tôn tạo, bảo vệ; tiêu biểu như các di tích: đền Bảo Lộc, đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc thờ Trần Hưng Đạo; đình Cao Đài, xã Mỹ Thành thờ Trần Quang Khải; đình Cả - Đệ Nhất, xã Mỹ Trung thờ Dũng Dược Đại vương và Phạm Ngô; đền Lộc Quý, xã Mỹ Phúc thờ Trần Thủ Độ; đình Phương Bông, xã Mỹ Trung thờ Trần Quang Khải…

Đền Lộc Quý, xã Mỹ Phúc, thờ Thái sư Trần Thủ Độ, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đền Lộc Quý đã được trùng tu với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Đền Lộc Quý, xã Mỹ Phúc, thờ Thái sư Trần Thủ Độ, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đền Lộc Quý đã được trùng tu với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Theo hồ sơ di tích, các di tích ở huyện Mỹ Lộc liên quan đến thời Trần do nhân dân địa phương dựng đền, đình thờ các Hoàng thân, quốc thích nhà Trần và các vị danh tướng, danh nhân có công trên các lĩnh vực quân sự, học hành thi cử, khai hoang lập ấp mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của nhân dân đối với các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh bảo vệ quê hương, có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” cao đẹp của dân tộc. Đình Cả thuộc thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) thờ Dũng Dược Đại vương - vị tướng thời Hùng Vương và một số danh tướng thời Trần. Theo thư tịch cổ, thôn Đệ Nhất là vùng đất có từ lâu đời. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất này đã sinh ra Dũng Dược Đại vương, một vị tướng tài ba có công giúp vua dẹp giặc; sau đó, ông được Vua Hùng gả công chúa Quang Mỹ. Để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài ba cùng phu nhân, các triều đại phong kiến về sau đã sắc phong cho Dũng Dược Đại vương và công chúa Quang Mỹ làm Thành hoàng; nhân dân lập đền thờ. Đình Cả hiện còn lưu giữ được ngọc phả và nhiều sắc phong từ thời Lê - Nguyễn; trong đó, ngoài Dũng Dược Đại vương còn có Long Khánh Đại vương và Uy Linh Đại vương - là những vị tướng thời Trần có nhiều công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Hội làng đình Cả tổ chức vào ngày sinh của Dũng Dược Đại vương (15-4 âm lịch). Đình Cao Đài thuộc thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) thờ thượng tướng Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải và phu nhân là Phụng Dương Công chúa. Trần Quang Khải là con thứ ba của Vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên Công chúa. Ông là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), ông là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, có mặt ở những nơi quan trọng và tham gia các chiến dịch phản công lớn. Ông vừa là vị tướng cầm quân đi đánh giặc, vừa là nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao có tài. Sau khi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương mất, nhân dân đã xây dựng đình Cao Đài để tưởng nhớ công lao của ông và phu nhân của ông trên phần đất trước là thái ấp. Bên cạnh giá trị lịch sử, trong khu di tích đình Cao Đài, ở mộ Phụng Dương Công chúa có tấm bia đá thời Trần (1293) là di vật quý. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về Công chúa Phụng Dương, về các chi tiết liên quan đến Thái sư Trần Quang Khải, trong đó có việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần về cứ điểm Độc Lập trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285).

Với vị trí địa lý là điền trang thái ấp của các vương hầu quý tộc nhà Trần xưa, huyện Mỹ Lộc hiện bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thời Trần. Trong thời gian qua, Sở VH, TT và DL phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát khai quật khu vực các di tích Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây… Qua công tác khảo cổ học, phát hiện hàng vạn di vật có niên đại và tầng văn hoá kéo dài từ thế kỷ XIII-XIX. Bên cạnh đó, còn xác định trên địa bàn huyện Mỹ Lộc các di tích, địa danh liên quan mật thiết đến Hành cung Thiên Trường xưa. Đó là vườn Liễu, vườn Lựu, vườn Chuối xã Mỹ Phúc là nơi chuyên trồng chuối ngự tiến vua. Xã Mỹ Trung có địa danh vườn Quan, mả Đẻ, vũng Hàm Rồng. Xã Mỹ Thành có gò Nồi Chõ, gò Nội Nhát, gò Nội Bông, gò Nội An, Cồn Rèn… Thực hiện Luật Di sản văn hóa, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mỹ Lộc luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, chính quyền các cấp đều thành lập ban quản lý di tích, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bài trừ các biểu hiện mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, dân vũ, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống văn hiến của quê hương góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác kiểm kê và phong trào chống xuống cấp, tu bổ, phát huy giá trị di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực. Xã Mỹ Phúc gồm 14 di tích, trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia là đền Bảo Lộc thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đền Lựu Phố thờ Thống Quốc Thái sư Trần Thủ Độ; 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là đền Trần Thừa, đền Hậu Bồi, đền Lộc Quý, đình Đông, đình Tây. Thực hiện Quyết định 252/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015, đến nay, các điểm di tích được tu bổ, tôn tạo gồm: đền Vạn Khoảnh, đền Lựu Phố, đình Đệ Nhất, đình Tây Đệ Nhị, đền Hậu Bồi, đình Đông Đệ Tam, đình Liễu Nha đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng. Trong đó, đình Đông Đệ Tam thuộc xã Mỹ Phúc có tổng diện tích 4.430m2, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, được khởi công tu sửa, nâng cấp từ năm 2010 và hoàn thành vào tháng 4-2014. Ba điểm di tích đình Tây Đệ Tam, đình Đệ Tứ, đình và phủ Phương Bông hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao trong quý IV-2014./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com