Công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia: Kết quả và những vấn đề đặt ra

02:10, 24/10/2014

Tỉnh ta hiện có 78 di tích được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích cùng với kinh phí xã hội hóa tu bổ di tích được quản lý và sử dụng có hiệu quả, nhiều di tích đã được tu bổ đều đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, góp phần phát huy giá trị di tích.

Các di tích ở tỉnh ta được xếp hạng di tích cấp quốc gia được chia theo bốn loại hình: di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đối với các di tích đã được xếp hạng (nhất là các di tích được xếp hạng cấp quốc gia) đều được chính quyền địa phương trong tỉnh thành lập ban quản lý di tích, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích. Hiện nay, tổng số người tham gia ban quản lý của 78 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia trên toàn tỉnh lên tới gần 400 người. Từ năm 2001 đến nay, Bộ VH, TT và DL đã hỗ trợ tỉnh ta hàng chục tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa tu bổ chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được sự đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn di tích. Nhiều di tích trở thành những địa chỉ hấp dẫn khách tham quan du lịch. Tại huyện Nam Trực, tháng 1-2014, Sở VH, TT và DL phối hợp với huyện Nam Trực tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đền Gin, xã Nam Dương. Đền Gin còn có tên là Nam Phong Tổ từ, do những người quê ở Phong Châu lập nên để thờ các vị tổ lập làng vào năm 672. Hiện nay đền thờ thần Kiều Công Hãn, có tượng đồng đặt ở chính tẩm, hai bên tả, hữu thờ 12 họ (6 họ lập ấp và 6 họ kế thành). Trải qua thời gian, đền Gin bị xuống cấp. Ngày 1-10-2013, UBND tỉnh có Quyết định 1559/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đền Gin. Theo đó, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng. Các hạng mục trùng tu gồm: nghi môn ngoại, tòa tiền đường các đền chính, giải vũ nội, ngoại; các hạng mục tôn tạo gồm: bình phong, hạng mục cửa, giếng, ao, vườn…

Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực) được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được khởi công tu bổ tháng 1-2014 (thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng).
Đền Gin, xã Nam Dương (Nam Trực) được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được khởi công tu bổ tháng 1-2014 (thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến năm 2016 với tổng kinh phí 28 tỷ 187 triệu đồng).

Giai đoạn 1, tiến hành tu bổ, tôn tạo: nghi môn ngoại, tiền các, đền chính, giải vũ nội, ngoại, miếu thờ với kinh phí 10 tỷ 560 triệu đồng; thời gian thực hiện dự án là 540 ngày do Cty TNHH Việt Cường thi công. Huyện Vụ Bản có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Liễu Hạnh, xã Kim Thái; Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung; Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo; Đền Đông, xã Thành Lợi; Đền, chùa Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào; Đền Vũ Nữ, xã Hợp Hưng. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như quần thể di tích Phủ Dầy, trong những năm qua, từ nguồn kinh phí công đức của khách thập phương, đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 18 di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Huyện Trực Ninh có 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu là: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), Đền - chùa Cự Trữ, Đền - chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), Đền - chùa Phúc Ninh (xã Trực Cường), Đền Tuân Lục (xã Liêm Hải)… Với tổng kinh phí 24 tỷ đồng, thời gian qua, chùa Cổ Lễ được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu. Hiện nay, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa và đền Thánh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo, bảo tồn được nguyên trạng kiến trúc di tích. Đền Thượng, xã Trung Đông được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng. Đền - chùa Phúc Ninh, xã Trực Cường được tu bổ với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Còn tại Xuân Trường, toàn huyện có 31 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 10 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tiêu biểu như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), Đền Xuân Bảng (Xuân Hùng), Đền Xuân Hy (Xuân Thủy), Chùa Xuân Trung (Xuân Trung), Chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh), Đền An Cư (Xuân Vinh), Nhà Lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Hồng), Đền - chùa Kiên Lao (Xuân Kiên), Đền - chùa Thọ Vực (Xuân Phong). Để nâng cao hiệu quả công tác tu bổ chống xuống cấp di tích được Nhà nước xếp hạng, từ năm 2012, huyện Xuân Trường chỉ đạo Phòng Văn hóa huyện phối hợp với Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tu bổ đối với từng di tích một cách khoa học. Trong 3 năm lại đây, trên địa bàn huyện đã tiến hành tu bổ, tôn tạo hàng chục di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân theo chủ trương xã hội hóa tu bổ và phát huy giá trị di tích được Nhà nước xếp hạng. Chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường khởi công vào ngày 22-4-2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, phần lớn là do nhân dân và con em quê hương đóng góp để tu sửa tôn tạo chùa. Chùa Trung, xã Xuân Trung, di tích lịch sử cấp quốc gia cũng vừa hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng được đầu tư, tôn tạo với số tiền trên 16 tỷ đồng.

Mặc dù thời gian qua, một số di tích đã được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ chống xuống cấp nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng, nhiều di tích ở tỉnh ta được xếp hạng cấp quốc gia do thời gian và nhiều yếu tố tác động hiện có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, việc huy động tâm trí, tiền của của nhân dân đóng góp cho hoạt động tu bổ di tích đây là yêu cầu cấp bách. Nhưng, trên thực tế, dù phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong hoạt động tu bổ di tích đã được thực hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc, song không phải ở địa phương nào cũng thể hiện trách nhiệm như vậy. Hoạt động của ban quản lý di tích, nhất là cấp cơ sở xã, thị trấn trong tỉnh vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Ở một số địa phương thực hiện việc tu bổ di tích chưa tuân thủ theo quy định của Luật Di sản trong việc tôn trọng giá trị gốc, thiếu sự quy hoạch, thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng... Ở nhiều nơi, chính quyền, ngành văn hoá địa phương chưa hiểu biết đầy đủ về thủ tục pháp lý và các nguyên tắc khoa học tu bổ di tích, nên khi thấy di tích bị xuống cấp, vì muốn có kinh phí để tu bổ di tích, nên sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi chưa thật xác đáng của các tổ chức, cá nhân công đức kinh phí cho việc tu bổ di tích. Mặt khác, ở phía người công đức, cũng do thiếu am hiểu về khoa học tu bổ di tích, hoặc do muốn phô trương, nên thường chọn lựa những hạng mục, công trình dễ thấy, dễ nhìn nhất để công đức. Để nâng cao hiệu quả hoạt động tu bổ chống xuống cấp di tích, các cấp, các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể tu bổ và tôn tạo đối với từng di tích một cách khoa học. Quản lý công tác tu bổ di tích theo đúng Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Bộ VH, TT và DL.  Bên cạnh đó ban quản lý di tích các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ tôn tạo các di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích được xếp hạng cấp quốc gia./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com