Từ lâu, Thành phố Nam Định là một trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước về phong trào Ghita cổ điển với những nghệ sĩ Ghita nổi tiếng như: Hải Thoại, Đức Minh rồi đến lớp kế cận như Lý Dũng, Trọng Thống, Văn Sâm. Đặc biệt, nhạc sĩ Hải Thoại với các tác phẩm chuyển soạn cho Ghita nổi tiếng trong nước như: “Quê em miền Trung du”, “Mừng Tây Nguyên giải phóng”, “Bài ca hy vọng” đã làm say đắm bao thế hệ. Tiếp nối truyền thống đó, CLB Ghita Thành Nam thuộc Nhà Văn hóa tỉnh 3-2 ra đời là cầu nối giữa những người yêu thích cây đàn Ghita và dòng nhạc Ghita cổ điển.
|
Một buổi tập luyện của các thành viên CLB Ghita Thành Nam. |
Nghệ sĩ Đức Hưng, Chủ nhiệm CLB Ghita Thành Nam cho biết: CLB được thành lập từ năm 2002, ban đầu có tên là CLB Ghita cổ điển với 9 thành viên, hiện nay, CLB có 40 hội viên. Hằng tháng trong các buổi sinh hoạt các thành viên CLB sẽ nhận xét ưu, nhược điểm của từng bài biểu diễn để rút kinh nghiệm. Thành viên CLB ở nhiều lứa tuổi, có người đang sống, học tập, làm việc tại tỉnh nhà, cũng có người đang học ở những tỉnh, thành khác nhưng CLB thực sự đã trở thành "mái nhà chung" cho tất cả các thành viên. Để hoàn thành tốt những buổi biểu diễn của CLB, các thành viên luôn kiên trì tập luyện, có những tác phẩm tập vài năm mới đạt độ “chín”. Các bản nhạc Rô-man-xcơ hay giai điệu của những tác giả nổi tiếng như Ba-ri-ốt, Ta-ra-ga…, người chơi không chỉ mất nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ thuật mà còn đòi hỏi phải đọc thêm tài liệu nói về hoàn cảnh ra đời bản nhạc, lịch sử thời kỳ đó để lồng cảm xúc của mình trong thể hiện các giai điệu của tác phẩm, truyền tới người nghe. Trong CLB, nhiều thành viên còn rèn luyện kỹ năng với một cây đàn Ghita có thể mô phỏng nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt… thông qua việc biến đổi âm sắc, để những buổi biểu diễn thêm sinh động. Ngoài tích cực tập luyện, biểu diễn, CLB còn phát triển phong trào Ghita cổ điển qua các lớp dạy học Ghita, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng âm nhạc, định hướng giáo dục thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật Ghita cổ điển cho các học viên. Các thành viên tiếp lửa cho phong trào Ghita cổ điển trên địa bàn Thành phố Nam Định tiêu biểu như: Ngọc Hùng, Đức Hưng, Quốc Hảo. Nhạc sĩ Ngọc Hùng là con trai của nghệ nhân đàn nguyệt Ngọc Tạo. Năm 14 tuổi anh đã say mê theo thầy Lý Dũng học Ghita, với năng khiếu bẩm sinh cùng sự khổ luyện, năm 22 tuổi anh đã trở thành nhạc công Ghita của Đoàn ca múa nhạc tỉnh, tham gia nhiều hội diễn ca múa nhạc toàn quốc. Suốt 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với cây đàn Ghita, anh đã 3 lần đạt danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của tỉnh. Là hội viên Hội VHNT tỉnh, hiện anh tham gia nghiên cứu âm nhạc và giảng dạy đàn Ghita cho các lớp năng khiếu do Nhà Văn hoá tỉnh tổ chức và tham gia bồi dưỡng phong trào Ghita cổ điển ở các cơ sở. Nghệ sỹ Đức Hưng, với tâm huyết muốn phát triển phong trào đàn Ghita cổ điển đã hết lòng hướng dẫn các học viên từ cách gảy đàn, cách nhấn nhá dây đàn để nốt nhạc du dương, có hồn. Nhờ vậy mà nhiều học viên nhí cũng như những học viên lớn tuổi đã biểu diễn tốt trong các chương trình văn nghệ do Nhà Văn hóa 3-2 tổ chức. Nhiều tài năng Ghita đã trưởng thành như: Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Văn Trọng, Trần Phúc Linh ở Thành phố Nam Định đều xuất sắc thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia; em Trần Huy Hoàng đoạt giải nhất tài năng trẻ Ghita Festival 2004, Giải nhì Ghita Việt Nam mở rộng năm 2012. NSƯT Kiều Dư, Giám đốc Nhà Văn hóa 3-2 cho biết: Từ khi thành lập, CLB Ghita Thành Nam đã được Nhà Văn hoá tỉnh tạo điều kiện để các thành viên tập luyện. Trong các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, bằng tài năng, sự đam mê và lối chơi tự tin, giàu cảm xúc, các hội viên Ghita đã tấu thành công nhiều nhạc phẩm cổ điển. Điểm đáng ghi nhận ở CLB Ghita Thành Nam là từ cây đàn Ghita có nguồn gốc phương Tây, nhưng bằng tài năng, lòng say mê và những tâm hồn Việt, họ đã biểu diễn những tác phẩm chuyên soạn từ dân ca truyền thống như các điệu “Lới Lơ” hay các tác phẩm cách mạng như “Tiếng chày trên sóc Bom bo”…
Để nhân rộng phong trào Ghita cổ điển, Nhà Văn hóa tỉnh 3-2 cần tiếp tục tìm hiểu nhu cầu tập luyện và thưởng thức của quần chúng, phối hợp với các trường học, cơ sở phường, xã để tăng cường tổ chức các buổi biểu diễn Ghita nhằm thu hút những người yêu âm nhạc thưởng thức và tham gia. Mở các lớp bồi dưỡng thường xuyên và ngắn hạn để nhân rộng phong trào Ghita cổ điển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của công chúng hiện nay./.
Bài và ảnh:
Trần Dư