Thức dậy "Văn hóa làng" trong đời sống hôm nay

09:09, 12/09/2014
Sau 3 năm triển khai, tỉnh ta là một trong những địa phương đã hoàn thành công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể theo hướng dẫn của Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL. Thông qua công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể, đã khẳng định tiềm năng to lớn về di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo ở các vùng quê trong tỉnh.
 
Giếng làng truyền thống làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).  Bài và ảnh: Việt Thắng
Giếng làng truyền thống làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Về độ phong phú và đặc sắc của  “Văn hóa làng" ở tỉnh ta, phải kể đến những phong tục tập quán và các phương thức sinh hoạt văn hóa tâm linh. Tỉnh ta có hàng trăm lễ hội tổ chức mỗi năm ở các vùng quê. Ngoài phần “lễ” là phần “hội” với các trò chơi dân gian độc đáo, ngoài ý nghĩa vui chơi giải trí còn mang ý nghĩa gắn kết tình làng nghĩa xóm. Nếu như lễ hội chùa Đại Bi, xã Nam Giang (Nam Trực) hấp dẫn du khách bởi trò chơi cờ người, hát rối, đấu vật thì hội đền Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) sôi nổi các trò chơi múa rồng, múa lân, cà kheo, chọi gà. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, kéo co tại lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường); đấu vật, leo cầu ngô, bắt vịt, nấu cỗ tại hội đền Thọ Vực, xã Xuân Hy (Xuân Trường); bắt chạch trong chum tại lễ hội đình Tống Xá (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); múa gậy tại lễ hội đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản); rước thỉnh kinh, hoa trượng hội tại lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản). Mỗi vùng quê trong tỉnh đều có những đặc trưng riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú về phương thức sinh hoạt văn hóa và sinh hoạt tâm linh mang ý nghĩa “Văn hóa làng”. Cũng là loại hình nghệ thuật rối, nhưng ở mỗi làng quê lại có phần lễ và phần hội khác nhau. Hiện nay, tỉnh ta có 2 loại hình rối: rối nước và rối đầu gỗ. Nghệ thuật hát rối đầu gỗ tại chùa Đại Bi (có tên cổ “Ổi lỗi”), Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh về chùa Đại Bi tu hành truyền dạy cho người dân nơi đây là một nghi lễ thờ cúng với những lời hát múa ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, yêu lao động. Tại lễ hội chùa Đại Bi hằng năm, các nghệ nhân trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý. “Nhân vật chính” của trò nghệ thuật hát rối đầu gỗ là sáu cái đầu tượng cùng cỡ làm bằng gỗ phủ sơn ta, vẽ mày, vẽ mặt rất đẹp gọi là “sáu ông Lộng”. Hiện nay, hội viên của phường hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi có trên 50 người ở 3 thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư với 3 ông trùm đại diện quản lý các thành viên trong thôn. Trong lễ hội chùa Đại Bi diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22 tháng Giêng hằng năm), thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài tỉnh hội tụ về lễ hội để tỏ lòng thành kính hướng tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh, đồng thời được thưởng thức một loại hình nghệ thuật độc đáo mang đặc trưng của đất nghề Nam Giang. Bên cạnh nghệ thuật rối đầu gỗ, tỉnh ta có 3 phường múa rối nước là: Nam Giang, Nam Chấn (Nam Trực) và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) với nhiều tiết mục múa rối nước đặc sắc, mang đậm nét văn hóa quê hương. Gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Đồng hành cùng thời gian, người Nam Chấn góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Phường rối Nam Chấn hiện có hơn 40 trò cổ phản ánh sinh động về cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Với những tiết mục có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật biểu diễn, kỹ thuật tạo hình con rối, các phường rối nước tỉnh ta bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước độc đáo, xứng đáng là vùng quê văn hiến, giàu trầm tích “Văn hóa làng”.
 
Trong hệ thống thiết chế “Văn hóa làng” truyền thống, các làng quê xưa đều nhắc đến: cây đa, giếng nước, sân đình, văn bia cổ… Làng Hành Thiện hiện nay còn lưu giữ giếng làng bên đình cổ. Đây là nét “Văn hóa làng” độc đáo của đất và người Hành Thiện trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quê hương. Điều khác biệt là, nếu nhân dân các địa phương khác dựng đình, miếu để thờ Thành hoàng làng, tưởng nhớ công lao của các anh hùng dân tộc, các bậc danh nhân có công lập làng, giữ nước, thì nhân dân Hành Thiện lập đình là nơi “Huấn học”. Từ xa xưa, vào ngày đầu tháng, nhân dân trong làng hội tụ về đình để ôn lại truyền thống khuyến học, khuyến tài, động viên con cháu theo “nghề học”. Chả thế ở Hành Thiện, người ta thường răn dạy con cháu: “Một thỏi vàng không bằng nang chữ”. Tục lệ đó vẫn được các thế hệ người Hành Thiện gìn giữ và phát huy trong đời sống hôm nay. Cũng là một loại hình thiết chế “Văn hóa làng”, hệ thống văn bia cổ là kho kiến thức cổ ghi chép lại các sự kiện lịch sử hình thành của một vùng đất hay một nhân vật…, có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ ở làng quê. Làng Bách Cốc, xã Tân Thành (Vụ Bản) là vùng đất cổ giàu trầm tích “Văn hóa làng” được biểu hiện qua hệ thống các di vật phong phú, các loại hình di sản văn hoá độc đáo như: Đền, chùa, lăng mộ, bia chân dung, văn bia, trống đồng, đồ đá, đạo sắc phong…
 
Bảo tồn, phát huy những giá trị “Văn hóa làng” truyền thống là vấn đề đặt ra trong đời sống hôm nay. Thực tế, “Văn hóa làng” biểu hiện ở các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống đang mai một. Trước hết ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một hoặc có nguy cơ “thất truyền”. Thực tế, các trò chơi như đáo đía, kéo chữ trên sông, hát thanh đề, múa bài bông… giờ đây chỉ còn là “ký ức”. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian. Các loại hình âm nhạc độc đáo như hát xẩm, múa bài bông, ca trù cũng ngày một “vắng bóng” trong đời sống xã hội, có chăng chỉ xuất hiện tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật... Để bảo tồn và phát huy giá trị “Văn hóa làng” trong đời sống hôm nay, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com