Người giữ hồn nhà gỗ truyền thống

05:09, 12/09/2014

Với niềm đam mê nhà gỗ truyền thống, thời gian qua anh Nguyễn Vũ Pháp, ở xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã phục dựng hàng trăm ngôi nhà gỗ cổ truyền mang đậm nét độc đáo về văn hóa và nghệ thuật kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ.

Ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Vũ Pháp đã có niềm đam mê với nghiệp sưu tầm cổ vật từ người bố. Học hết THCS, anh lên Hà Nội để tìm hướng mưu sinh cho riêng mình. Ban đầu, anh học kinh doanh đồ sành sứ từ những mặt hàng nhỏ, lẻ, ít vốn. Tích cóp được ít vốn, anh chuyển sang kinh doanh đồ nội thất cổ truyền của Bắc Bộ như bàn ghế sập tủ, đồ sứ, đồ đồng, đồ đá. Con đường để anh “bén duyên” với nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ cũng rất tình cờ. Trong một lần tìm mua cổ vật, anh bắt gặp một gia đình đang tháo dỡ ngôi nhà gỗ cổ 3 gian. Anh đã mua về với ý tưởng phục dựng lại thành một ngôi nhà cổ hoàn chỉnh. Sẵn có kiến thức về đồ cổ, đồ gỗ và quá trình tự tìm hiểu, ngôi nhà đầu tiên được anh và các hiệp thợ dựng đã thu hút sự chú ý của nhiều người đam mê nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ. Với sở thích tự mày mò tìm hiểu các kiểu họa tiết trên gỗ, giờ đây, chỉ cần nhìn hoa văn khắc họa trên nhà và loại gỗ, kiểu cách là anh biết được niên đại của ngôi nhà. Ngoài kỹ thuật, mỹ thuật, anh còn đúc kết được những chuẩn mực về nhà cổ, vì thế nhiều nơi dựng nhà mới hay tu sửa đình, chùa đã tìm đến anh. Để phục dựng thành công nhiều ngôi nhà gỗ cổ, anh đã chiêu mộ được nhiều thợ giỏi về làm tại cơ sở của mình. Hiện nay, anh đang phụ trách 5 hiệp thợ, mỗi hiệp thợ khoảng 20 người, gồm các bộ phận xây dựng, chạm gỗ, nội thất, điện nước...

Ngôi nhà gỗ cổ truyền của anh Nguyễn Vũ Pháp, ở xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu).
Ngôi nhà gỗ cổ truyền của anh Nguyễn Vũ Pháp, ở xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu).

Muốn dựng một ngôi nhà gỗ cổ khớp từng chi tiết, khi nhận một công trình, anh thường hội ý với những thợ mộc giỏi để xác định cự ly của tim cột cái, tụ chồng bò, tụ xà máng, tim tụ cột quân... trao đổi với những thợ chuyên đắp hoa văn cổ truyền sao cho hợp phối cảnh ngôi nhà. Bây giờ, ngoài đồ nghề truyền thống như cưa tay, bào, đục, chàng, bạt, thợ mộc còn có cả máy cưa, máy mài, máy đánh bóng, máy khoan, máy cắt nên các công đoạn được rút ngắn nhiều, nhưng nghệ thuật chạm gỗ luôn đòi hỏi sự kỳ công và kiên nhẫn; nhất là những công việc đòi hỏi tay nghề cao ở người thợ như làm các cột cái, cột con, cột quân, xà lòng (quá giang), xà nách, xà khóa, bờ, trụ... Mỗi bộ cửa bức bàn (ở từng gian) cũng đã là công trình nghệ thuật, phải đúng là Cửa thùng khung khách; 4 cánh phải là các bức chạm nổi hoặc chạm lộng, các họa tiết theo các tích cổ… Theo anh Pháp, mỗi người thợ mộc trước khi làm phải tư duy nhiều mẫu hoa văn ở từng thời kỳ lịch sử, từ đó có những nét sáng tạo trong các tiểu tiết điêu khắc. Với tay nghề thành thạo, những hoa văn tinh xảo trên thân gỗ, người thợ đã thổi hồn mình vào từng tác phẩm. Ngoài ra, để hiểu đúng ý nghĩa của nhà cổ, người thợ phải hiểu biết cặn kẽ các giá trị của ngôi nhà và cả phong tục truyền thống... Với tâm niệm bảo tồn những ngôi nhà gỗ cổ là gìn giữ một nét đẹp truyền thống, mang tính đặc trưng của làng quê, anh Pháp và các hiệp thợ của mình đã phục chế và làm mới hàng trăm nhà gỗ Bắc Bộ, trong đó có các di tích lịch sử - văn hóa như chùa Yên Định (Hải Hậu), chùa Phủ Liễn (Thái Nguyên). Anh còn nhận làm 2 ngôi chùa Một Cột mới, tỷ lệ 2/3, so với chùa Một Cột Hà Nội sẽ được đặt tại Phật địa Việt ở Nê-pan. Ngoài ra, nhiều khu du lịch sinh thái có nhà gỗ cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ như khu nghỉ mát Tản Đà ở Ba Vì (Hà Nội), đồi Trinh Nữ ở Phổ Yên (Thái Nguyên) cũng được anh và các hiệp thợ xây dựng.

Kiến trúc nhà gỗ cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử. Với niềm đam mê nhà gỗ cổ truyền, anh Nguyễn Vũ Pháp không chỉ tạo việc làm cho lao động ở địa phương mà qua việc phục chế nhà cổ anh còn góp phần bảo tồn, phát huy được nét văn hoá truyền thống của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com