Xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa. Toàn xã hiện có 18 ngôi đình, đền, chùa, trong đó có 2 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia là đình Hưng Lộc, thôn Hưng Lộc; đền chùa Hạ Kỳ, thôn Hạ Kỳ và 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm. Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa xã và các tiểu ban ở các thôn được thành lập; thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức lớp học ngoại khóa giới thiệu về Luật Di sản văn hóa và thân thế, sự nghiệp nhân vật lịch sử được thờ tự tại các di tích. Với niềm tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, hằng năm nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp nhiều ngày công lao động để giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường trong khuôn viên các di tích. Trong quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, xã luôn đảm bảo theo đúng kiến trúc truyền thống. Năm 2002, nhân dân địa phương đã đóng góp 500 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo di tích đền chùa Hạ Kỳ - nơi thờ tướng Đinh Lôi, người có công tham gia cùng Hưng Đạo Đại vương đánh đế quốc Nguyên Mông. Trong quá trình tôn tạo, các hạng mục kiến trúc gỗ với họa tiết hoa văn mang phong cách thế kỷ XVII-XVIII vẫn được bảo lưu. Đền Hạ Kỳ gồm 4 tòa và hệ thống cột đồng trụ, tường hoa tạo thành kiến trúc “Nội đinh, ngoại quốc". Tiêu biểu nhất của kiến trúc đền là những cấu kiện trên các con rường và hàng bẩy tiền với hình các con ly lấy lưng đỡ hoành mái, cảnh rồng bay, long cuốn thủy, ở bức chạm giữa tiền đường còn có cảnh lưỡng long chầu nguyệt, quần long chầu chữ thọ... Ngay sát phía đông đền là chùa Hạ Kỳ, gồm bái đường 5 gian, tam bảo 4 gian. Chùa làm theo lối "chồng rường bẩy kẻ”. Các hàng xà, hệ thống bẩy kẻ, các con rường được gia công, đục chạm hoa, lá, mây tản, tạo dáng nhẹ nhàng. Chùa Hạ Kỳ còn lưu giữ được cây tháp bằng đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Đây là cây tháp bằng đá có giá trị về nghệ thuật tạo dáng, điêu khắc. Cây tháp 5 tầng, bốn mặt có các họa tiết long chầu, sen quy, người câu cá. Mái tháp hình hoa sen được thu nhỏ dần từ chân lên đỉnh. Các tầng tháp được chạm lá lật, cúc dây, đan xen có cả lá hỏa vừa mềm mại, vừa biểu thị vươn lên mạnh mẽ.
Bảo tháp Đại Bi, chùa Phúc Lộc, thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh. |
Đình Hưng Lộc là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thờ Thái úy Đại tướng Phạm Cự Lượng là danh tướng có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước dưới hai vương triều Đinh và Tiền Lê. Đình gồm 3 tòa, làm theo lối "tiền nhất, hậu đinh". Tòa tiền đường chia làm 3 gian với kết cấu đơn giản. Tòa trung đường được làm theo kiểu thượng mê cốn, hạ bẩy kẻ. Phần chạm khắc ở công trình cũng được gia công theo nhiều đề tài như rồng chầu, phượng hàm thư sinh động. Tòa trung đường được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) nên các hoa văn, họa tiết mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tiếp đến là tòa chính tẩm được làm theo kết cấu thượng chồng rường, hạ bẩy kẻ. Tòa chính tẩm đã được trùng tu vào năm 1901, toàn bộ các cấu kiện gỗ đều bảo lưu gần như nguyên vẹn phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII. Bên cạnh đền Hưng Lộc là chùa Phúc Lộc cũng có nhiều nét chạm trổ tài hoa của nghệ nhân dân gian. Được xây dựng gần 600 năm, đến nay chùa còn lưu giữ một số hiện vật quý như chuông đồng cổ được đúc vào thế kỷ XVII treo trên gác chuông 3 tầng, mái cong tạo thành 3 cửa tam quan. Chuông có dáng dấp họa tiết hoa văn hài hòa đẹp đẽ, có niên hiệu Cảnh Hưng vạn niên (1740). Từ năm 2010, được sự cho phép của các cấp và nguồn vốn xã hội hóa của tăng ni, phật tử và con em quê hương làm ăn thành đạt, Bảo tháp Đại Bi đã được khởi công xây dựng với 13 tầng, cao 49m, cụm công trình với tổng diện tích 1.500m2. Tháp có cấu trúc hình bát giác, chính giữa là khối vuông thông suốt trong mười hai tầng từ tầng 2 đến đỉnh tháp. Đỉnh tháp được thiết kế theo hình búp sen, được đúc bằng đồng đỏ nặng trên 2 tấn, được bài trí xá lợi Phật. Trong tháp đặt 149 pho tượng Phật bằng đồng thể hiện 149 hiện tướng nhà Phật. Từ khi khánh thành (cuối năm 2013), đến nay Bảo tháp Đại Bi đã có hàng chục nghìn lượt người dân đến tham quan, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã cúng tiến hàng trăm cây cảnh, cây cổ thụ làm tăng vẻ cổ kính khu di tích.
Ngoài bảo tồn và phát huy những giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, nhân dân xã Nghĩa Thịnh còn quan tâm bảo tồn lễ hội dân gian của quê hương. Tại đình Hưng Lộc hằng năm lễ hội xuân được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng và lễ hội kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Phạm Cự Lượng vào dịp cuối năm với nhiều nghi lễ trang trọng; phần hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống của địa phương. Vào tháng Giêng hằng năm, tại đền Hạ Kỳ, nhân dân thường tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày mất của tướng quân Đinh Lôi. Trong lễ hội, các nghi thức thiêng liêng kết hợp với các trò vui mang nhiều ý nghĩa như thi nấu cơm, thi làm bánh dày, góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống của làng quê. Những nghi thức như rước cối xay, rước thổ công, rước bà chúa lúa, lễ xin lửa, lễ xin gạo tạo nên một không khí trang nghiêm, gửi gắm ước nguyện của nhân dân về một năm bội thu, được mùa.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, xã Nghĩa Thịnh đẩy mạnh công tác xã hội hoá; tích cực vận động nhân dân chung tay bảo tồn các di tích, đồng thời phát huy hiệu quả các lễ hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư