Giao Thủy bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

09:09, 26/09/2014

Trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có 25 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là: Đền, chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận; Đền, chùa Diêm Điền, Thị trấn Ngô Đồng; Quần thể di tích đền, chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến.

Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm UBND huyện đã tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa, xã hội, cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; các thủ từ, trụ trì các đền, chùa là di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, công tác bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích cũng được tăng cường. Tại quần thể di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay di tích vẫn giữ được giá trị kiến trúc truyền thống. Quần thể di tích gồm 3 ngôi đền, 2 ngôi chùa. Đền Trung, đền Thượng, đền Chính có cùng một phong cách kiến trúc. Đền xây kiểu chữ "Đinh". Tòa tiền tế có hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam, hệ thống vì kèo kiểu giá chiêng trốn cột nhằm tăng thêm diện tích sử dụng trong nơi thờ tự. Tòa chính tẩm được xây theo kiểu gác lâu chồng diêm cổ đẳng 2 tầng 8 mái. Chùa Thượng (An Hưng tự) có 5 gian xây dọc, bộ vì kiểu giá chiêng chồng rường được chạm khắc công phu. Chùa Chính (Hưng Long tự) xây theo kiểu chữ "Đinh", bái đường 5 gian, thượng điện 3 gian, các công trình khác như: phủ, nhà tổ, tăng phòng… bao bọc xung quanh tạo sự hài hòa cho toàn bộ kiến trúc ở đây. Các đầu xà, đầu bảy tại bộ vì mái chùa đều được chạm khắc các họa tiết lá lật, triện tàu lá dắt, trúc hoa, lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong rất tinh xảo.

Đình Đan Phượng, xã Giao Yến là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Đình Đan Phượng, xã Giao Yến là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quần thể di tích lịch sử - văn hóa Hoành Nha vừa là nơi tập luyện quân sự của dân quân du kích, vừa là cơ sở bí mật đưa đón cán bộ địa phương và Trung ương đi về hoạt động; trong đó có các đồng chí: Lê Đức Thọ, Đặng Xuân Thiều, Đinh Đức Thiện… Năm 2009, đền, chùa Hoành Nha bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền và phát tâm công đức của nhân dân địa phương, đền, chùa đã được trùng tu, tôn tạo với kinh phí 10 tỷ đồng. Nhằm phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ, hằng năm UBND xã đã phối hợp với Trường THCS Giao Tiến tổ chức cho học sinh đi tham quan khu di tích trong các giờ học ngoại khóa, đồng thời lập kế hoạch cho học sinh tham gia các hoạt động chăm sóc cảnh quan di tích. Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến thờ Đức thánh Triệu Việt Vương và các vị tổ có công lập làng, có kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê cũng xuống cấp nghiêm trọng... Đầu năm 2011, được sự nhất trí của Sở VH, TT và DL và huyện Giao Thủy, xã Giao Yến đã tiến hành trùng tu công trình. Sau gần một năm thi công với kinh phí gần 3 tỷ đồng, công trình trùng tu đình làng Thanh Khiết đã hoàn thành và vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc truyền thống. Ngoài 2 di tích trên, nhiều địa phương trong huyện đã làm tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa; tiêu biểu như: Thị trấn Ngô Đồng trùng tu đền Hoành Đông thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng và hai vị Cao Sơn Đại Vương, Đại Hải Đại Vương với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Xã Giao Yến trùng tu di tích đình Đan Phượng thờ Triệu Quang Phục cùng hai vị tướng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc với kinh phí 300 triệu đồng từ sự công đức của nhân dân. Xã Giao Phong trùng tu, tôn tạo đình Vuông với kinh phí hàng tỷ đồng. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các địa phương trong huyện còn quan tâm phát huy giá trị các di tích thông qua việc tổ chức lễ hội gắn với các di tích. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương. Tiêu biểu như: Nghi thức rước thánh “Nghinh quan hải” tổ chức trong các ngày 13, 14, 15 tháng 8 âm lịch ở đình Vuông, xã Giao Phong; lễ hội “Hạ điền” vào ngày 25-5 (âm lịch) tại đền Hà Cát, xã Hồng Thuận... Ngoài phần lễ, phần hội ở các di tích diễn ra phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện ở đình làng Kiên Hành, xã Giao Hải còn có các trò chơi dân gian trong lễ hội như: Bơi thuyền, vật, võ. Tại đền Hoành Đông có tục “thổi cơm thi” vào ngày 15-2 âm lịch...

Phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, thời gian tới các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa - thể thao dân gian lành mạnh nhằm khai thác giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com