Cất vó bè

08:09, 19/09/2014
Con sông Chanh thao thiết chảy qua làng Trúc, uốn lượn mềm mại như một dải lụa đào. Những ngày cuối tuần, tôi thường về quê chơi, để được khỏa chân dưới làn nước mát lạnh ở bến đò Sành và đặc biệt là được sống lại cảm giác hồi hộp, thích thú khi đi cất vó bè đêm.
 
Nhà bác tôi liền kề bên sông nên bao năm rồi, chỉ bằng sự chăm chỉ, cần mẫn, cứ nương vào dòng sông cũng đủ nuôi nấng mấy anh, chị tôi nên người. Một bè rau muống tía ngọn đua mơn mởn ra mặt sông sau những cơn mưa rào đủ cho cả nhà dùng suốt mấy tháng liền. Vạt khoai nước tốt um và khoảnh bèo cái được quây gọn gàng bằng thân cây chuối góp phần để bác đều đặn mỗi năm xuất chuồng hai lứa lợn. Những cây ổi, cây bưởi soi bóng bên bờ sông mùa nào cũng trĩu quả, cho chúng tôi thỏa sức leo trèo những ngày thơ bé. Thích nhất là chiếc vó bè gắn liền với bao kỷ niệm về những đêm thức cùng bác cất tôm cá. Gọng vó được làm bằng hai cây tre già hơ qua lửa rồi uốn cong, bắt chéo nhau thành hình chữ thập, qua thời gian đã lên nước nâu bóng. Một mảnh lưới rộng bằng chiếc chiếu được mắc vuông vắn vào bốn đầu gọng vó, ở giữa lòng vó buộc chiếc giỏ to có hom cài chắc chắn để tôm cá vào rồi không thoát được ra ngoài. Bác tôi còn thiết kế đoạn dây thừng buộc cần cất vó quanh một bánh xe theo kiểu ròng rọc nên khi kéo cần lên, hạ cần xuống rất nhịp nhàng mà không tốn sức. Sát bờ sông, một chiếc lều vó được dựng lên, khung tre vững chãi, mái lợp rơm rạ, hai bên hông che tấm liếp cài lá chuối khô, đảm bảo ngồi trong lều ấm áp về mùa đông mà vẫn đón được những ngọn gió nồm nam mát rượi khi hè về. Những đêm trăng sáng, sau khi cơm nước xong xuôi, hai anh em tôi lại xách chiếc đèn chai theo bác ra lều vó. Trong khi chờ bác buông cần, chuẩn bị cất mẻ đầu tiên, chúng tôi ngồi lấy cỗ bài tam cúc ra chơi. Cứ chừng mười phút, bác lại kéo vó một lần. Hai tay túm lấy sợi dây thừng, bác nhẹ nhàng nâng vó lên khỏi mặt nước. Chúng tôi hồi hộp đoán xem mẻ này có được cá to không và thỉnh thoảng cũng đòi được kéo vó. Dưới ánh trăng dát bạc mặt sông, mảnh lưới xao động bởi tiếng tôm búng nước, tiếng cá quẫy. Anh em tôi tranh nhau soi đèn pin cho bác hất gọn tôm cá chui tọt xuống giỏ. Nhiều đêm bác tôi ham cất, mấy đứa trẻ con không thức được khuya nằm lăn ra lều vó ngủ luôn một giấc. Sáng sớm hôm sau, bác tôi bơi thuyền ra thu giỏ về. Bác gái mau mắn chọn riêng mấy con rô đồng đầy bụng trứng, nấu một nồi canh bánh đa rau ngót cho mấy bác cháu bồi dưỡng sau một đêm cất vó vất vả. Rồi bác tất bật mang mớ tôm cá tươi rói lên chợ bán. Những đêm động trời mưa to gió lớn, theo kinh nghiệm là cá đi ăn đông, nhưng chúng tôi không được theo bác đi cất vó, mấy anh em cứ ngồi ngóng ra màn đêm mà xuýt xoa tiếc rẻ.
 
Bác tôi không còn nữa! Chiếc vó bè vẫn in bóng trên sông như một hình ảnh gần gũi, thân thương. Mỗi lần về quê, lũ trẻ năm xưa lại mắc lưới, kẽo kẹt kéo vó bè và ôn lại biết bao kỷ niệm./.                                   
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com