Xuân Trường ngăn ngừa tình trạng đánh cắp cổ vật tại các di tích lịch sử - văn hóa

07:08, 01/08/2014

Huyện Xuân Trường hiện có hơn 100 đền, chùa; 800 từ đường, trong đó, có 31 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng. Tiêu biểu như: chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), đền Xuân Bảng (Xuân Hùng); chùa Xuân Trung (Xuân Trung); đền An Cư (Xuân Vinh); đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong); đền, chùa Kiên Lao (Xuân Kiên)… Thời gian qua, các địa phương trong huyện đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa, ngăn ngừa tình trạng đánh cắp cổ vật, di vật tại các chùa, di tích.

Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên đạt danh hiệu Chùa tinh tiến cấp tỉnh.
Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên đạt danh hiệu Chùa tinh tiến cấp tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Nhưng, Trưởng phòng VH-TT huyện Xuân Trường cho biết: Tại các di tích trên địa bàn huyện, nhất là các đình, chùa cổ hiện lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc. Thời gian qua, các đối tượng bằng nhiều thủ đoạn, tổ chức đánh cắp cổ vật, di vật. Trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện Xuân Trường có hơn 10 vụ mất cắp cổ vật, di vật, tiêu biểu là các di tích: đền Ngọc Tỉnh, chùa Thọ Vực, đền, chùa Kiên Lao, từ đường họ Phạm… Để ngăn ngừa tình trạng đánh cắp cổ vật, di vật tại di tích, Phòng VH-TT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hoá và các văn bản dưới luật như nghị định, chỉ thị, thông tư của Nhà nước về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá đến các địa phương có di tích và các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong toàn xã hội về bảo vệ di tích, chống mất cắp di vật, cổ vật trong các di tích. Đối với các di tích đã được Nhà nước xếp hạng, các địa phương đều thành lập ban quản lý di tích, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Tiến hành kiểm kê di vật, cổ vật, xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ đối với các di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, nghệ thuật. Huyện phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành động tìm kiếm, sưu tầm, buôn bán cổ vật trái phép. Điển hình là: Ngày 15-5-2012, các cụ từ trông coi đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong) phát hiện nhiều đồ thờ cúng đã bị kẻ gian lấy cắp. Công an huyện Xuân Trường đã thành lập Ban chuyên án, phân công các trinh sát điều tra hình sự vào cuộc, truy tìm tung tích đối tượng. Bằng cách vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã bắt được 2 đối tượng là Nguyễn Văn Huy (30 tuổi) và Đặng Văn Sáng (31 tuổi), trú tại thôn Dinh Khuốc, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Các đối tượng khai nhận: Với hành trang là cây kìm cộng lực, xã cầy, tô vít, cưa sắt và đèn khò cầm tay… chúng đã gây ra 8 vụ trộm cắp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đêm 16-5-2012, sau khi thực hiện hành vi trộm cắp các đồ thờ cúng có giá trị tại đền Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường; chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong; đình Hoành Tứ, huyện Giao Thủy, chúng gọi tắc-xi về Hưng Yên tiêu thụ. Nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ tẩu thoát, bọn chúng đã bị phát hiện, bắt giữ. Chỉ trong thời gian ngắn, Ban chuyên án đã thu hồi hầu hết tang vật bị mất cắp, gồm 3 lọ độc bình, 3 lư hương, 1 khánh, 2 tòa Cửu Long, 1 chuông đồng thuộc các đền Ngọc Tỉnh, chùa Thọ Vực và đình làng Hoành Tứ, 1 máy bào, 1 máy soi, 1 cưa gỗ chùa Kiên Lao, 1 xe mô tô BKS 89H9-7850 và 30 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Xuân Trường còn 163 di tích chưa được xếp hạng. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, đối với các di tích chưa được xếp hạng, công tác kiểm kê di vật, cổ vật chưa được quan tâm. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ còn lỏng lẻo, phần lớn người làm công tác quản lý, trông coi di tích do Hội Người cao tuổi phụ trách. Không ít nơi, các di tích do chưa được Nhà nước xếp hạng, nhân dân địa phương trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích mà không có sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn dẫn đến tình trạng khi tiến hành gia cố di vật, cổ vật làm biến dạng mất đi yếu tố gốc của hiện vật. Mặt khác, người dân không thấy hết giá trị của các di vật, cổ vật nên thay thế các di vật, cổ vật có giá trị bằng các đồ thờ tự mới.

Để ngăn ngừa tình trạng đánh cắp cổ vật, di vật góp phần bảo tồn nguyên trạng di tích, các cấp, các ngành, các tăng ni, phật tử trong huyện, nêu gương sáng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng "tự quản - tự phòng - tự bảo vệ" về an ninh trật tự. Các lực lượng làm công tác an ninh tại các địa phương có di tích tăng cường công tác nắm tình hình về số lượng cổ vật, giá trị của các cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử, đền, chùa; thường xuyên tổ chức tuần tra ban đêm tại khu vực xung quanh các di tích lịch sử. Ngành VH-TT huyện phối hợp với Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, Bảo tàng tỉnh tăng cường công tác kiểm kê di vật, cổ vật. Tổ chức các lớp tập huấn về giám định cổ vật cho cán bộ văn hoá các xã, thị trấn và Ban quản lý di tích địa phương trong huyện. Đồng thời, tại các chùa, người trụ trì, quản lý các di tích lịch sử nâng cao ý thức cảnh giác với loại hình tội phạm trộm cắp cổ vật, phối hợp với các ngành chức năng và nhân dân có những biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực di tích lịch sử cũng như an toàn cho cổ vật./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com