Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích ở Trực Ninh

09:08, 06/08/2014

Để các di tích phát huy giá trị trong công tác giáo dục lịch sử - văn hóa, niềm tự hào truyền thống của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn.

Cụm di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Sa Đê, xã Trực Nội.
Cụm di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Sa Đê, xã Trực Nội.

Hằng năm, huyện đều hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Năm 2013, nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí chủ yếu từ công tác xã hội hóa. Tiêu biểu như: đền Thượng, xã Trung Đông được trùng tu toàn bộ phần nội cung, tường rào, kè bờ mương và các công trình phụ trợ với kinh phí 500 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 300 triệu đồng. Đền - chùa Dưa, xã Liêm Hải được trùng tu, tôn tạo với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân công đức 1 tỷ đồng. Đền - chùa Phúc Ninh, xã Trực Cường xây dựng nhà khách, đường vào di tích và các công trình phụ trợ với tổng số tiền nhân dân và khách thập phương đóng góp khoảng 5 tỷ đồng. Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ mỗi năm nhân dân và khách thập phương đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, một số hạng mục công trình chùa Cổ Lễ đã xuống cấp; đặc biệt, cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa đã có hiện tượng lún, nghiêng và một số hạng mục khác bị hư hại. Trước hiện trạng đó, năm 2008, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chùa Cổ Lễ với kinh phí gần 25 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và từ nguồn xã hội hóa. Năm 2009, di tích chùa Cổ Lễ được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tu bổ tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Đền Thánh, chùa chính, nhà khách, nhà tổ, tôn tạo hai hành lang tả, hữu. Hiện nay, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa và Đền Thánh đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo, bảo tồn được nguyên trạng kiến trúc di tích. Cụm di tích lịch sử - văn hóa đền - chùa làng Sa Đê, xã Trực Nội được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2007 là một điển hình thành công của xã hội hóa trùng tu di tích. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, công trình vẫn bảo lưu được một số hạng mục kiến trúc như: Nghi môn, sân và đền. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, năm 1995, cụ Nguyễn Đức Thái, Trưởng ban quản lý đền - chùa Sa Đê đã vận động nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm và con em xa quê đóng góp kinh phí và ngày công lao động để tu bổ, tôn tạo. Ban đầu, Ban quản lý di tích đã quyên góp được 42 triệu đồng và 1.221 ngày công để trùng tu 5 nóc chùa cũ 20 gian, gồm mở rộng hành lang, xây thêm hiên mái bằng, gác chuông. Năm 1996, nhà Phủ Mẫu được xây dựng, tăng phòng nhà khách với tổng diện tích xây dựng trên 56m2. Năm 1997, ông Nguyễn Đức Bào, thôn Sa Nhì đã đúc chuông cúng tiến, tổ chức tô toàn bộ các pho tượng; kiến thiết các hạng mục, mua sắm thêm đồ thờ, trang trí nội thất. Năm 2013, Ban quản lý cụm di tích tiếp tục vận động nhân dân và các dòng họ trùng tu, tôn tạo các hạng mục mở rộng diện tích cụm di tích, xây nhà Tổ, khơi thông hai giếng cổ của đền - chùa với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Ngoài làm tốt công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích, việc tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 11-11 âm lịch tại đền và 28-2 âm lịch tại chùa Sa Đê được Ban quản lý di tích xã Trực Nội duy trì nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông. Trong lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như hát chèo, chơi tổ tôm điếm, cờ người, đấu vật, thi thổi cơm, chọi gà, leo cầu ngô. Gắn với các di tích, hằng năm, các lễ hội được tổ chức ở nhiều địa phương. Tiêu biểu như lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16-9 âm lịch hằng năm để tưởng niệm Đức Thánh tổ hóa thân (14-9). Lễ hội còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ như lễ rước Phật, đấu vật, cờ người... Lễ hội chùa Ninh Cường, xã Trực Cường diễn ra ba năm một lần vào mùa xuân với các nghi thức tế lễ dâng cơm mới lên tổ lập làng, tế thần đất, thần lúa, các trò chơi dân gian như: múa sơn quân, kéo co, chọi gà, cờ người, thi nấu cơm, nấu cỗ...  

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các nội dung của Luật Di sản văn hóa trong nhân dân để huy động cộng đồng cùng chung tay bảo tồn giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com