Thực hiện chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân: Vấn đề đặt ra từ thực tiễn

07:08, 01/08/2014

Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực từ ngày 7-8-2014, được xem là một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ở tỉnh ta, để nghị định sớm đi vào cuộc sống, cần sự “vào cuộc” tích cực của các cơ quan hữu quan, chính quyền các cấp, nhất là việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân một cách thiết thực, hiệu quả.

Từ thực trạng “Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”

Sau hơn một năm “lễ hội Phủ Dầy” và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vấn đề hiện đang được dư luận quan tâm là: Các địa phương sở tại có di tích và các ngành hữu quan đã triển khai thực hiện chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo các quy định của Luật Di sản văn hoá như thế nào? Vai trò, sự phối, kết hợp của các cấp, các ngành được thể hiện ra sao với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ di sản? Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật chầu văn có đạt được mục tiêu đề ra? Đặt vấn đề này với những người làm công tác quản lý Nhà nước thuộc các ngành hữu quan, nhất là với các nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp và không chuyên, chúng tôi đều nhận được một câu trả lời chung là: “Chưa có sự chuyển biến”(!) CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định được thành lập năm 2012, gồm gần 100 hội viên, là các nghệ nhân, nghệ sĩ hát văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hoá; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. Ông Trần Văn Toán, thành viên CLB cho biết: Mục đích của CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam tại Nam Định là nghiên cứu, sưu tầm tư liệu nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật chầu văn; đào tạo và truyền dạy các bản văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; xây dựng đạo đức nghề nghiệp; tìm kiếm tài trợ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy hát văn; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên. Sau gần 2 năm thành lập, CLB hầu như không hoạt động, một năm chỉ tổ chức gặp mặt vào các dịp mở hội Phủ Dầy và lễ hội Trần. Những “hội viên” tham gia sinh hoạt tại CLB là cung văn, nhạc công trẻ tuổi. Còn các nghệ nhân là những cung văn giàu kinh nghiệm hiện nay đều ở tuổi “xưa nay hiếm”, do đó, dù tâm nguyện rất muốn tham gia sinh hoạt CLB, nhưng “lực bất tòng tâm”. Theo các thành viên CLB, trong tổng số người hát văn (cung văn) của tỉnh, có trên 240 người hát được các bài văn cổ, tiêu biểu như cung văn: Đào Thị Phòng, 70 tuổi, Hoàng Thị Lương 84 tuổi ở huyện Ý Yên; cung văn Bùi Văn Đông ở huyện Xuân Trường… Đó là những cung văn giàu kinh nghiệm vừa hát vừa phối hợp sử dụng các nhạc cụ như: đánh đàn, gõ phách, trống. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh ta có 5 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” - những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể dân tộc (kiến trúc, đúc đồng, ẩm thực, điêu khắc). Tuy nhiên, danh hiệu này mới chỉ là do cấp hội, hiệp hội xét và trao tặng, nên mới chỉ động viên về mặt tinh thần, mà chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đức Thọ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Nam Định cho biết: “Chế độ, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian là điều rất cần thiết, đó là nguồn động lực nhằm khuyến khích các nghệ nhân cống hiến cho việc gìn giữ và lưu truyền các giá trị nghệ thuật truyền thống. Trên thực tế, tỉnh cũng đã có những định hướng nhằm tôn vinh các nghệ nhân và quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ, nhưng hiện nay chính sách, chế độ đãi ngộ cụ thể vẫn đang chờ các cấp, ngành Trung ương”.

Một buổi sinh hoạt của các hội viên CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Nam Định.
Một buổi sinh hoạt của các hội viên CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Nam Định.

Với Di sản văn hóa phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định”, có một thực tế là hiện nay, hầu hết các nghệ nhân am tường nghệ thuật chầu văn dân gian đều đã cao tuổi. Toàn tỉnh có 6 CLB chầu văn hoạt động như: CLB hát Văn Hành Thiện (Xuân Trường), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, Thị trấn Mỹ Lộc, CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB Chầu văn huyện Ý Yên, CLB Thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu. Tuy nhiên, do hoạt động theo hình thức xã hội hóa, lại không có “cơ chế” hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, những CLB này và các thành viên mới chỉ dừng lại ở mục đích “CLB cùng sở thích”, chưa mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp.

… Đến chính sách cho nghệ nhân dân gian

Ngày 25-6-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định gồm 5 chương, 18 điều quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian. Theo đó, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với các tiêu chuẩn trên, cá nhân được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước (đối với “Nghệ nhân nhân dân”) hoặc của địa phương (đối với “Nghệ nhân ưu tú”), thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao (đối với “Nghệ nhân nhân dân”) và có giá trị (đối với “Nghệ nhân ưu tú”) về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật. Đồng thời, phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (đối với “Nghệ nhân nhân dân”) và có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên (đối với “Nghệ nhân ưu tú”). “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có các quyền và nghĩa vụ: được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng;... Đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập theo 3 cấp: hội đồng cấp tỉnh; hội đồng chuyên ngành cấp bộ; hội đồng cấp Nhà nước. Thành phần hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gồm chủ tịch hội đồng, các phó chủ tịch hội đồng và các ủy viên hội đồng là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua khen thưởng cùng cấp; cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; một số nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và nhà khoa học có uy tín, am hiểu chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể.

Từ ngày 7-8, Nghị định số 62/2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Khi đó, việc tiến hành lập hồ sơ, quy trình và thủ tục để đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được tiến hành qua nhiều bước, nhiều cấp, do đó, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com