Đường rặng nhãn

07:08, 08/08/2014

Mỗi lần về quê, người dân ở các làng ven sông thường thích đi vòng theo con đường ra bến đò Sồng, bởi vừa được nghe những âm thanh lách cách thoi đưa rất vui tai của làng dệt truyền thống, vừa được hưởng bóng mát sum suê của rặng nhãn ven đường.

Chẳng biết rặng nhãn này có từ bao giờ mà mấy chục cây nhãn hiện nay gốc đều to gần bằng hai vòng tay ôm, thân sù sì, nứt nẻ. Những trưa hè nóng nực, đi dưới rặng nhãn xanh um, hít thở đầy lồng ngực làn gió sông lồng lộng đầy hào phóng, thấy mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Thỉnh thoảng, bên đường lại bắt gặp vài cụ già ngồi đan rổ rá hoặc mấy đứa trẻ con nằm đu đưa trong lòng võng êm ái được mắc trên hai thân nhãn. Những cậu bé trai nghịch ngợm không chịu ngủ trưa, đi dọc bờ nhãn tìm bắt những con bọ xít làm xe đua. Mùa xuân, nhãn nhú lộc đỏ như son rồi xòe tung màu lá xanh nõn, từng chùm nụ vàng tươi lấp ló xuất hiện nơi đầu cành, nách lá. Chẳng mấy chốc, cả con đường và dòng sông chạy dọc theo rặng nhãn như được ướp bằng mùi hương thật dịu ngọt của hoa nhãn. Tiếng ong rù rì rủ nhau bay về lấy mật làm xao động cả một khoảng không gian vốn quá đỗi yên bình. Người dân làng Sồng sợ nhất là rét đậm, rét hại và sương muối vào đúng dịp nhãn trổ hoa, bởi kiểu thời tiết khắc nghiệt này làm cho hoa bị héo đen, rụng hàng loạt. Còn thì dù mưa phùn dịu dàng của mùa xuân hay mưa rào ào ạt của mùa hè, thêm vài đợt nắng to, những chùm nhãn càng nhanh phổng phao, hứa hẹn một mùa quả bội thu.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Bước sang tháng bảy âm lịch, khi gió heo may se lạnh báo hiệu mùa thu đến cũng là lúc nhãn xuống nước và chín rộ. Từng chùm nhãn nặng trĩu, quả vàng nâu như màu da bò níu trĩu cành, chạm cả vào đầu người qua đường. Hương nhãn chín ngọt ngào và hấp dẫn đến nỗi sau một đêm, dưới gốc nhãn đã thấy xuất hiện hạt và vỏ do lũ dơi kéo đến ăn. Lúc này, cả làng rủ nhau đi hái nhãn. Những chùm dành đến Tết Trung thu phải được bọc kỹ càng, cẩn thận bằng lưới hoặc lá nhãn khô để đề phòng lũ dơi ăn. Chẳng biết có phải do trồng ven sông, được phù sa thường xuyên bồi đắp, lại dại nắng dại gió hay không mà nhãn làng Sồng đặc biệt thơm ngon, quả to, dày cùi, ăn giòn và ngọt đậm đà. Trẻ con ăn no nhãn lại lấy những chiếc hạt đen nhánh chơi bi. Vào mùa nhãn chín cũng là lúc sen ở các đầm ao quanh làng bắt đầu chắc hạt. Nhiều nhà trong dịp lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ thường làm món chè sen long nhãn dâng lên các đấng sinh thành. Bát chè thanh mát với màu trắng ngà của hạt sen bọc giữa màu trắng trong của cùi nhãn, hòa quyện trong nước đường phèn bột sắn thoảng hương hoa nhài là tinh túy được chắt lọc từ thiên nhiên trời đất, thể hiện tấm lòng thơm thảo của cháu con.

Đường rặng nhãn và những mùa nhãn chín đã gắn liền với tuổi thơ của bao người dân làng Sồng để mỗi lúc đi xa đều muốn được trở về./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com