Cuộc vận động sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật (VHNT), báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động từ năm 2011 đến nay đã được các văn nghệ sĩ Hội VHNT tỉnh sôi nổi hưởng ứng. Bằng tấm lòng thành kính của mình đối với Bác kính yêu, các hội viên Hội VHNT tỉnh đã tìm tòi, đổi mới tư duy sáng tác, khắc họa sâu đậm hình tượng Bác Hồ trong mỗi tác phẩm của mình.
Hội viên Hội VHNT tỉnh trao đổi với hội viên Hội Nhà văn Việt Nam về nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật. |
Đến nay, ở 7 bộ môn chuyên ngành, các hội viên Hội VHNT tỉnh đã sáng tác 115 tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; trong đó có 11 tác phẩm âm nhạc, 20 tác phẩm thơ, 21 tác phẩm sân khấu, 23 tác phẩm mỹ thuật, 27 tác phẩm nhiếp ảnh, 4 tác phẩm nghiên cứu phê bình và 13 tác phẩm âm nhạc, múa. Đặc biệt chùm kịch ngắn 4 vở “Lời Bác dặn”, “Bác ra thăm đồng”, “Một lần ở bên Người”, “Các chú đừng quên” của đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh đã được tặng giải C cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 1 (2011-2013). Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh cho biết, khi viết về Bác Hồ, ông đều đưa vào tác phẩm của mình những tư liệu, sự kiện có thật, gắn với hình tượng con người Bác. Một vở kịch ngắn nếu diễn trên sân khấu thời lượng từ 30-40 phút việc xâu chuỗi các vấn đề “thắt nút”, “mở nút”, “cao trào” trong kịch đòi hỏi tác giả phải có sự tìm tòi trong các sự kiện để chắt lọc những chi tiết đáng giá nhất. Cả 4 tác phẩm viết về Bác Hồ đều toát lên chất ký thời sự để các tuyến kịch phát triển hợp lý, tạo nên sức hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính chân thực của sự kiện”. Trong kịch ngắn, lời thoại là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm, tác giả Trịnh Quang Khanh đã tận dụng yếu tố này để người xem dễ dàng nhận biết tình cảm của Bác với nhân dân. Vở kịch ngắn “Lời Bác dặn” khắc họa hình tượng Bác Hồ khi đến thăm cán bộ, học sinh ở khu văn công Mai Dịch với những chi tiết đời thường nhưng đầy xúc động về con người giản dị của Bác. Cán bộ nhà trường mời Bác vào hội trường nhưng Bác bảo: “Bác cháu ta ngồi ngoài này thôi vì hôm nay trời heo may đẹp”. Khi cán bộ nhà trường xin Bác mấy phút đi lấy ghế, Bác bảo: “Làm sao phải khuân đủ ghế cho bằng này người, bãi cỏ đẹp thế này, Bác cháu ta cùng ngồi có sao đâu”. Trong vở kịch ngắn này, chỉ qua những câu hỏi han, trò chuyện thân mật mà Bác đã nắm được tình hình của toàn khu văn công Mai Dịch và đặc biệt đời sống của học sinh, sinh viên, diễn viên. Ở kịch ngắn “Bác ra thăm đồng”, lời thoại hợp với đức tính giản dị của Bác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trông thấy một thanh niên ăn mặc bảnh bao, Bác hỏi: “Chú làm gì ở đây? Thưa Bác cháu là cán bộ thanh niên huyện ạ”, “Cán bộ thanh niên huyện xuống công trường thủy lợi lao động sao lại ăn mặc thế này? Chú đi giày đen, mặc áo trắng, cắp cặp da để làm gì?”. Trong vở kịch ngắn: “Các chú đừng quên”, bối cảnh tại Phủ Chủ tịch, Bác có buổi làm việc với các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Tùng, Vũ Kỳ, Hoàng Anh chủ yếu bàn về chủ trương tuyên truyền các gương “Người tốt, việc tốt” trên các phương tiện thông tin, truyền thông và xuất bản phẩm. Cuộc họp giữa Bác và những cán bộ cấp cao đầy tình cảm ấm áp nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm túc. Bác chỉ ra “căn bệnh” của báo chí thời đó “Cần nhanh chóng chữa cho được căn bệnh vay mượn từ ngữ, nói chữ nhiều quá”, Bác dặn dò: “Có làm, có sai và khi nhận sai phải dám sửa!”. Cả 4 tác phẩm của tác giả Trịnh Quang Khanh đã được phát sóng trên VTV1 và được khán giả đón nhận trong niềm xúc động về hình tượng Bác Hồ. Nhà văn Giang Phong cũng để lại nhiều dấu ấn với các tác phẩm về hình tượng Bác Hồ và làm theo gương Bác. Tuy viết nhiều thể loại, nhưng sở trường lớn nhất của ông lại trên lĩnh vực sân khấu. Kịch bản của ông luôn thấm đậm chất văn chương, ngay từ các tên kịch bản như: “Hơi ấm bàn tay Bác”, “Quê nghèo đón Bác”, “Một bữa cơm tối của Bác”, “Nơi ấy không có sóng”… Trong các kịch ngắn của mình về hình tượng Bác Hồ, nhà văn Giang Phong tâm đắc nhất với kịch bản “Quê nghèo đón Bác”, tác phẩm được “thai nghén” trong ông một thời gian dài trước khi đặt bút viết và được dàn dựng, phát trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Ở lĩnh vực thơ, nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Lợi cũng tích cực đầu tư sáng tác các tác phẩm về hình tượng Bác Hồ. Đến nay anh đã có một chùm thơ mang tên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gồm 11 bài thơ. Khi khai thác đề tài này, tác giả tập trung vào hai nội dung chính gồm: Ca ngợi tấm gương đạo đức của Bác và tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Bác; tiêu biểu như các bài thơ: “Ngôi nhà Bác ở”, “Đường cứu nước”, “Trồng cây càng nhớ lời Người”, “Ảnh Bác trong mọi nhà”, “Ngày thống nhất Bác đã vào thăm”... Với nhà thơ, nhà giáo Trần Văn Lợi, tình cảm với Bác là nguồn cảm hứng thường trực, vô tận. Được viết về Bác với niềm thành kính, tự hào là dịp để anh bày tỏ tình cảm lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Để xây dựng những tác phẩm VHNT thể hiện hình tượng Bác Hồ có chiều sâu tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, đòi hỏi có sự tìm tòi, sáng tạo, cách tiếp cận vấn đề mới của mỗi tác giả. Với những thành công ban đầu, các hội viên Hội VHNT tỉnh thông qua các tác phẩm của mình, tuyên truyền giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương của Bác, đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Viết Dư