Trong những ngày Thành phố Nam Định tưng bừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng thành phố, chúng tôi tìm đến số nhà 280 phố Minh Khai, phường Vỵ Hoàng (TP Nam Định) - một địa chỉ gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương. Gần 140 năm qua, nét kiến trúc của ngôi nhà tuy không còn được giữ nguyên trạng, song đã trở thành “địa chỉ văn hóa” đối với những “tao nhân mặc khách” thời xưa và những người yêu mến thi ca Trần Tế Xương ngày nay.
Từ một “địa chỉ văn hoá”
Sở dĩ ngôi nhà số 280 trở thành “địa chỉ văn hóa” đối với những người yêu văn học bởi, chính tại nơi đây, trong 7 năm sinh sống (1900-1907), nhà thơ Trần Tế Xương đã sáng tác hàng trăm tác phẩm nổi tiếng; trong đó, có những thi phẩm đã làm nên tên tuổi một nhà thơ lớn.
Tên khai sinh của nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) là Trần Duy Uyên, hiệu Vị Thành, quê làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc (trước đây). Đường khoa cử của ông lận đận: đi thi từ năm 15 tuổi nhưng mãi tới năm 24 tuổi (1894) mới đỗ Tú tài. Sau đó, ông lại trượt Cử nhân nhiều khoa liền. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn, ông chỉ còn biết trông cậy vào người vợ đảm đang. Năm 1900, do cảnh bần túng, vợ chồng ông chuyển từ ngôi nhà 247 Hàng Nâu, về ở nhà mẹ vợ (nay là ngôi nhà 280 Minh Khai). Chính trong hoàn cảnh này, những sáng tác của nhà thơ Trần Tế Xương đã phản ánh một cách chân thực về bức tranh xã hội “một cổ hai tròng” trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Tác phẩm ông để lại gồm nhiều thể loại: thơ, phú, câu đối, hát nói... phần lớn đều bằng chữ Nôm. Nhiều sáng tác trình bày tâm sự đau đớn, xót xa; hoặc mỉa mai, ngạo đời một cách chua chát, cay độc; hoặc gửi gắm lòng yêu nước thương nòi một cách kín đáo và sâu sắc. Dưới góc độ nghệ thuật, thơ văn Tú Xương cũng hàm chứa những cung bậc xúc cảm đa chiều, nhưng đồng nhất và thống nhất về tâm trạng, tư tưởng. Đó là những ưu tư với số phận của đất nước, nền văn hoá và đạo đức của dân tộc, với muôn ngàn cảnh khổ của con người và nỗi đau đớn dằn vặt khôn xiết của chính nhà thơ. Chính tại ngôi nhà số 280 phố Minh Khai ngày nay, sống cảnh túng thiếu, đông con, trải nghiệm và chiêm nghiệm sâu sắc hoàn cảnh gia đình và cá nhân, người đọc càng thấu tỏ nỗi lòng của Trần Tế Xương qua những bài thơ viết về người vợ - hình ảnh của một phụ nữ tần tảo, giàu đức hy sinh vì chồng, con. Và hơn thế nữa, những sáng tác của nhà thơ còn mang một xu thế thi ca “cười người và cười mình”. Sống trong một xã hội, nhất là môi trường thành thị, Nho giáo suy thoái, đạo đức xã hội xuống cấp do bị lối sống phương Tây xâm thực, có lẽ quan điểm thời Nho học “Duy hữu độc thư cao” (Chỉ người đọc thánh hiền mới đáng được coi trọng), thì hiện thực xã hội đã khác xưa. Đó là cảnh đời với bao thói dung tục, tiêu cực. Nhà thơ Trần Tế Xương bằng những sáng tác đã vạch ra những điều trái đạo lý như: chuyện những kẻ dốt nát lại được làm quan, việc thi cử và thái độ ngạo mạn của bọn thực dân, những suy vi thoái trào của đạo học và nền nếp Nho giáo.
Đến vấn đề bảo tồn
Ngôi nhà số 280 phố Minh Khai, phường Vỵ Hoàng (TP Nam Định) - một địa chỉ gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương. |
“Gia đình tôi tình nguyện hiến tặng ngôi nhà 280, nơi ghi dấu những năm tháng sinh sống và sáng tác nên những thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Trần Tế Xương cho Thành phố Nam Định, để nơi đây trở thành một công trình văn hóa - là nơi tưởng niệm và trưng bày những kỷ vật cùng những sáng tác thơ của nhà thơ Trần Tế Xương”. Đó là tâm sự chân thành của ông Trần Ngọc Thành, chủ ngôi nhà số 280 Minh Khai. Với ông Thành, ngôi nhà trở thành kỷ vật gắn bó với ông và các thành viên trong gia đình từ thời thơ ấu. Ông kể: Năm 1932, vợ nhà thơ Tú Xương đã bán ngôi nhà cho một thương lái; sau đó, ngôi nhà này đã qua nhiều lần đổi chủ. Năm 1952, bố ông là cụ Trần Ngọc Thêm, đã mua lại ngôi nhà và chuyển cả gia đình về đây sinh sống. Vốn là người dân lương thiện, có lòng yêu văn chương, cụ Thêm từ khi chuyển đến sinh sống rất coi trọng việc bảo quản, gìn giữ nét kiến trúc đã một thời gắn bó với nhà thơ Trần Tế Xương. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình cụ Thêm nhiều lần gặp cảnh túng thiếu, nhưng cụ quyết tâm không bán ngôi nhà. Ông Thành nhớ lại: “Khi tôi lên 4 tuổi, mẹ tôi mang bầu, lúc sinh, do sức yếu, mẹ tôi qua đời, em trai tôi chưa biết mặt mẹ. Cha tôi một mình “gà trống” nuôi 4 con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhiều người khuyên ông nên bán ngôi nhà, chuyển ra vùng đê sinh sống để có tiền trang trải nuôi con nhưng cha tôi một mực từ chối, bởi với ông, ngôi nhà có một “ân tình” sâu nặng và kỷ niệm”. 64 năm qua, ông Thành đã thân thuộc đến từng ngóc ngách, vị trí trong ngôi nhà cổ, coi nó như một phần không thể tách rời trong cuộc đời và tâm hồn mình.
Theo lời ông Thành, ngôi nhà đã bị dỡ bỏ một phần trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp khi cả Nam Định thực hiện tiêu thổ kháng chiến, bỏ hoang nhiều năm trong những lần cả thành phố đi sơ tán. Năm 1965, máy bay giặc Mỹ không kích thành phố Dệt; gần 20 trái bom bi rơi đúng ngôi nhà làm sập hoàn toàn phần bếp và công trình phụ. Căn nhà chính rộng chừng 25m2 còn sót lại hiện nằm lọt phía sau dãy nhà cao tầng sát mặt phố. Về mặt hình dáng, kết cấu, kiến trúc vẫn giữ nguyên bản. Được biết, trong những năm qua, gia đình ông Thành luôn rộng cửa, đón khách đến tham quan, tìm hiểu về gia cảnh, thân thế cuộc đời nhà thơ Tú Xương. Ngôi nhà nơi in dấu một thời với cụ Tú cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực nghệ thuật. Họa sĩ Hồ Y có 2 tác phẩm được nhiều người biết đến là: “Phòng văn nhà thơ Tú Xương”, “Nhà Tú Xương phố Hàng Nâu”, chia sẻ: Là một họa sĩ, tôi nghĩ mình không có tác phẩm nào về danh nhân Trần Tế Xương là có lỗi với cụ Tú và quê hương. Tôi ấp ủ đề tài tranh cụ Tú từ lâu. Ngoài việc đọc nghiên cứu tuyển tập thơ Tú Xương, tôi còn thường lên chơi thăm thầy giáo Chất, cụ giáo Lâm trên phố Hàng Nâu là người có họ hàng xa với cụ Tú để tìm hiểu thêm. Hai ông cho biết, sinh thời cụ Tú rất thích hoa nhài. Trong phòng văn thơ của cụ bao giờ cũng có một vài bông hoa nhài. Thế là tôi có thêm tư liệu để dựng tranh về cụ. Tôi bố cục bức tranh gồm một chiếc kỷ văn kê ở sát bên cửa sổ; trên mặt kỷ có ống đựng bút, trang thơ viết dở “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Cạnh đó là một be rượu, một ấm trà, một chiếc lư đồng nhỏ để đốt hương trầm mỗi khi cụ làm thơ, làm văn. Chỗ ngồi bên trái là một bát điếu hút thuốc lào. Bên phải cụ để cái tráp đựng những bài thơ, trên mặt tráp có bông hoa nhài. Nhìn qua cửa sổ là cánh đồng có cây hoa gạo, chiếc quán nghỉ chân với con bò đang gặm cỏ, một đoạn sông lấp còn sót lại có con đò… Trên tường cạnh cửa sổ treo chiếc ô lục soạn mà cụ Tú thường che đầu mỗi khi lui tới phố Hàng Thao, và đôi câu đối bất hủ của cụ: “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo. Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”. Toàn bộ bức tranh toát lên cái hồn thơ của nhà thơ Trần Tế Xương. Như vậy, tôi đã thực hiện được ý nguyện lưu giữ hồn thơ Tú Xương vào tranh để lại cho con cháu mình mai sau.
Đồng chí Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định cho biết: Thời gian tới thành phố sẽ tiếp nhận ngôi nhà số 280 Minh Khai từ gia đình ông Thành hiến tặng; tiến hành công tác tu bổ, sửa chữa. Ngôi nhà cùng với mộ chí cụ Tú Xương (hồ Vỵ Xuyên) sẽ trở thành điểm thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Tú Xương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng